Thách thức với mục tiêu GDP năm 2015 tăng 6,2%
22/10/2014 16:12
Sau những tín hiệu tích cực trong năm 2014, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế ở mức cao hơn cho năm 2015 như tăng trưởng GDP đạt 6,2%, lạm phát dưới 5%, bội chi ngân sách 5% GDP… đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu này, đòi hỏi phải triển khai các giải pháp thiết thực và đồng bộ hơn nữa nhằm vượt qua nhiều thách thức lớn, nhất là những thách thức trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết nợ xấu, nợ công, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII cho biết, có tới 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ đạt và vượt Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đây là dấu ấn đáng ghi nhận.
Tuy vậy, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế phục hồi còn chậm, chưa như kỳ vọng, nợ công tăng nhanh, nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo, tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, vốn đầu tư toàn xã hội vẫn còn ở mức thấp (khoảng 30,1% GDP)...
Riêng về vốn đầu tư, con số này khiến không ít chuyên gia kinh tế lo ngại, vì với kinh tế Việt Nam, nếu không có đầu tư, thì khó có tăng trưởng cao.
Với riêng chỉ tiêu duy nhất dự kiến không đạt kế hoạch (tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 49%, trong khi kế hoạch là 52%), vẫn còn đó không ít những lo ngại, bởi chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong 3 đột phá chiến lược, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Cho dù ba đột phá chiến lược đã được xác định, vẫn cần giải pháp mạnh hơn để đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các đột phá này. Trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII, tại không ít diễn đàn, hôi nghị, hội thảo về tình hình kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về vấn đề nợ công, nợ xấu, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu không giải quyết tốt các vấn đề này, nền kinh tế vẫn sẽ quẩn quanh với những điểm nghẽn và khó có thể bứt phá.
Chính vì vậy, cùng với việc xác định các chỉ tiêu, cần tìm kiếm các giải pháp thiết thực và thực hiện quyết liệt các giải pháp đó để đưa nền kinh tế vượt qua thách thức, về đích như mong đợi.