Tăng năng suất lao động: Tạo thể chế tiền lương vững chắc

Thông tin “năng suất lao động của 15 người Việt Nam bằng 1 người Singapore” được đưa ra mới đây đã gây sốc với không ít người. Điều đó liệu có phản ánh đúng thực trạng của lao động Việt Nam hay không?

02/10/2014 10:29

Thông tin “năng suất lao động của 15 người Việt Nam bằng 1 người Singapore” được đưa ra mới đây đã gây sốc với không ít người. Điều đó liệu có phản ánh đúng thực trạng của lao động Việt Nam hay không?

Lý giải năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn một số quốc gia, ông Malte Luebker- chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại châu Á-Thái Bình Dương- cho rằng, năng suất lao động trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Do vậy, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức (ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ hiện đại) có thể có năng suất lao động chung thấp.

“Những quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, có thể có năng suất lao động chung thấp hơn. Ngược lại, nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính, bảo hiểm, nên năng suất lao động cao hơn”- chuyên gia ILO lý giải.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, năng suất lao động của một quốc gia không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động, nó phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động, kết hợp với các yếu tố khác, như máy móc và công nghệ... Bởi vậy, nếu từ các thống kê về năng suất lao động mà kết luận rằng, người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng.

Báo cáo gần đây của ILO/ADB chỉ ra rằng, tăng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động. Khi giá trị gia tăng bình quân trên mỗi lao động tăng lên, doanh nghiệp có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh. Bởi vậy, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác có thể cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu dựa trên năng suất lao động cao thay vì dựa vào mức lương thấp.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa năng suất lao động cao hơn và mức lương cao hơn không phải ngẫu nhiên mà có. Các quốc gia cần xây dựng những thể chế xác định tiền lương vững chắc để bảo đảm rằng việc tăng năng suất lao động có thể mang lại mức lương cao hơn cho người lao động. Việt Nam gần đây đã có một bước tiến quan trọng theo hướng này với sự ra đời của Hội đồng Tiền lương quốc gia.