Tái cơ cấu Tổng Công ty Thép - 1 năm nhìn lại
25/01/2015 21:33
Liên tiếp bị lỗ trong 2 năm (2012, 2013), tình hình tài chính diễn biến theo chiều hướng xấu cùng với những khó khăn từ thị trường thép trong nước, quốc tế đã đặt Tổng Công ty Thép Việt Nam trước rất nhiều khó khăn thách thức.
Kết thúc năm 2013, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) bước vào thực hiện kế hoạch 2014 trong bối cảnh các hoạt động của đơn vị đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại và hạn chế nghiêm trọng.
Khó khăn chồng chất
Công ty mẹ - Tổng Công ty bị lỗ lớn 2 năm liên tiếp (2012 lỗ 538 tỷ đồng, 2013 lỗ 290 tỷ đồng), lỗ lũy kế lên tới 828 tỷ đồng gây mất cân đối tài chính giữa vốn dài hạn và tài sản dài hạn trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 vốn điều lệ. Tình hình tài chính của VNSTEEL ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu đi gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sản xuất kinh doanh cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp hàng đầu ngành Thép này.
Phó Tổng Giám đốc Vũ Bá Ổn cho hay nguyên nhân cơ bản không phải là việc không hoàn thành các kế hoạch đề ra mà thuộc về yếu kém nội tại. Rõ nhất là hệ thống các chi nhánh hoạt động kém hiệu quả, chi phí duy trì hệ thống phân phối lớn, không tương xứng với hiệu quả mang lại. Các đơn vị sản xuất thuộc Công ty mẹ (Thép miền Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ) do công ty mẹ bao tiêu, cân đối nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm khiến cho những đơn vị thành viên này thụ động, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh kém (Thép tấm lá Phú Mỹ lỗ liên tục trong những năm gần đây, sản lượng chỉ đạt 45% công suất thiết kế).
Mặc dù chịu nhiều biến động của thị trường thép thế giới do kinh tế suy thoái, thị trường thép trong nước 2014 có cải thiện hơn so với năm 2013. Tổng lượng thép tiêu thụ của các thành viên Hiệp hội Thép đạt 5,2 triệu tấn, tăng 13%. Tuy nhiên do một phần ảnh hưởng của giá thép thế giới, một phần do sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, cộng với áp lực từ thép Trung Quốc nhập khẩu và gian lận thương mại khiến cho giá thép bình quân 2014 trong nước liên tục giảm.
Cụ thể, giá thép xây dựng của VNSTEEL năm 2014 giảm bình quân 500.000 đồng/tấn, mức giảm mạnh hơn giá phế (nguyên liệu sản xuất thép) nhập khẩu.
Một năm cải tổ
Tổng Giám đốc VNSTEEL Nghiêm Xuân Đa cho biết, để tồn tại và giữ được vị thế là “Cánh chim đầu đàn ngành Thép Việt”, việc đầu tiên, cấp bách là VNSTEEL phải nhanh chóng kiện toàn tái cấu trúc toàn diện hệ thống, bao gồm tái cấu trúc nội tại Công ty mẹ-Tổng Công ty và cơ cấu lại các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết phù hợp với định hướng phát triển của VNSTEEL, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Để tái cấu trúc nội tại Công ty mẹ-Tổng Công ty, VNSTEEL đã giải thể 5 chi nhánh phụ thuộc, tổ chức lại bộ máy cơ quan Công ty mẹ-Tổng Công ty mẹ (chấm dứt hoạt động của Trụ sở phía Nam Tổng Công ty, giải thể và hợp nhất một số ban nghiệp vụ...); tách hai đơn vị Thép miền Nam (TMN), Tấm lá Phú Mỹ (TLPM) để chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn thuộc Tổng Công ty.
Việc làm này đã góp phần giảm sự chồng chéo trong kinh doanh, minh bạch hóa chính sách bán hàng, giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của VNSTEEL.
Việc giao quyền tự chủ cho TMN và TLPM đã tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp.
"Quả ngọt" từ tái cơ cấu
Năm 2014, tổng tiêu thụ thép các loại của hệ thống Tổng Công ty ước đạt 2,97 triệu tấn, tăng trưởng 4,2% so với 2013. Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai đi vào hoạt động đã góp phần đưa phôi thép đạt mức tăng trưởng cao 37,9%. Tiêu thụ thép xây dựng ước đạt 2,139 triệu tấn; tổng tiêu thụ thép cán nguội và thép sau cán tăn trưởng tương ứng 9,9% và 4,7%. Riêng Công ty mẹ tiêu thụ thép các loại đạt 561.765 tấn, tăng 1,8% so với 2013. Tuy nhiên doanh thu không có tăng trưởng và không đạt kế hoạch đề ra do giá thép giảm, sản lượng tiêu thụ phôi đạt thấp, hoạt động sản xuất thép nguội chưa hiệu quả.
Chi phí bán hàng của VNSTEEL ước đạt 37,77 tỷ đồng, giảm được 24,105 tỷ đồng (giảm 38.96% so với 2013). Chi phí quản lý của Công ty mẹ trong 2014 ước đạt 175,840 tỷ đồng, giảm 43 tỷ đồng (giảm 19,66% so với 2013). Thép Miền Nam chuyển từ lỗ sang lãi hơn 100 tỷ đồng. Công ty mẹ-Tổng Công ty cũng chuyển từ lỗ liên tiếp 2 năm sang lãi hơn 70 tỷ đồng.
Con số này theo ông Nghiêm Xuân Đa dù không lớn, nhiều chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh chưa đạt, nhưng là con số có rất nhiều ý nghĩa với sự phát triển của VNSTEEL đang trong quá trình tái cơ cấu nội tại, nhất là ở giai đoạn thị trường có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Thực hiện quy chế “cứng”
Năm 2015, tiếp đà từ hiệu quả của việc tái cấu trúc nội tại, VNSTEEL đặt mục tiêu sản xuất 2,384 triệu tấn thép xây dựng (tăng 12%); tiêu thụ 2,397 triệu tấn thép xây dựng (12%); sản xuất 2,02 triệu tấn phôi (tăng 53%), tiêu thụ 651.000 tấn phôi (122,9%); sản xuất và tiêu thụ thép cán nguội chính phẩm 140.000 tấn (tăng 31,7%); phấn đấu doanh thu đạt 366,6 triệu đồng, lợi nhuận đạt 100,89 triệu đồng.
Để hoàn thành những mục tiêu này, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 tổ chức ngày 19/1, ông Nghiêm Xuân Đa yêu cầu các đơn vị thành viên trong hệ thống phải phối hợp chặt chẽ để huy động sức mạnh tổng lực.
Theo đó, Tổng Công sẽ xây dựng quy chế phối hợp mua bán, tiêu thụ, sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị thành viên gồm cả Công ty con và các doanh nghiệp liên kết, liên doanh. Chẳng hạn mọi sửa chữa đầu tư, tiêu thụ của đơn vị thành viên phải để các đơn vị cùng trong hệ thống tham gia, tăng cường sử dụng sản phẩm dịch vụ lẫn nhau.
Mọi sự phối hợp này sẽ tuân thủ đúng luật pháp, cơ chế thị trường và điều lệ hoạt động của doanh nghiệp. Đây sẽ là một quy chế cứng, ông Đa khẳng định.