Chống tham nhũng: Sẽ 'soi' cả khu vực ngoài nhà nước
22/08/2016 08:17
Tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo dự luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ với tư cách là đơn vị chủ trì soạn thảo cho rằng, cần tập trung cả vào khu vực ngoài nhà nước bởi thực tế đây còn là “sân sau” của tham nhũng.
Sân sau
Trước một số ý kiến trái chiều về tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước, TTCP cho rằng, thực tiễn cho thấy tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp.
“Vì trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen. Trong nhiều trường hợp, khu vực ngoài nhà nước chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, là “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Bởi vậy, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực ngoài nhà nước” - TTCP nêu quan điểm.
Cũng theo TTCP, hiện nay đối với nhóm tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ, Bộ luật Hình sự đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước đối với 4 tội danh (tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ). Bên cạnh đó, Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra yêu cầu phòng chống tham nhũng trong khu vực tư.
Công khai danh tính người tặng quà
Theo khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật PCTN sửa đổi: “Cán bộ, công chức, viên chức nếu nhận được quà tặng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà...”. Xung quanh quy định này, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể căn cứ xác định giá trị của món quà tặng và cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc xác định giá trị quà tặng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Gia Lai, Điện Biên, Long An, Quảng Nam… đề nghị: cán bộ, công chức, viên chức không được phép nhận quà tặng dưới mọi hình thức để tránh việc lợi dụng vòi vĩnh, tham nhũng. Về quan điểm này, TTCP cho hay, dự thảo đã quy định tại khoản 1, Điều 26.
Trước ý kiến của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: Người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì ngoài việc kê khai tài sản, thu nhập của mình thì còn phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ/chồng, cha mẹ đẻ/cha mẹ nuôi, con đẻ/con nuôi; với người không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì chỉ kê khai tài sản của mình, TTCP cho rằng: Việc mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay, có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, bí mật đời tư của những người không có nghĩa vụ phải kê khai. Hơn nữa, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những đối tượng này cũng đã và đang được thực hiện bằng nhiều công cụ, biện pháp khác. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như quy định như dự thảo Luật.
Dự kiến, dự luật PCTN sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2016.