Cần xử lý mạnh tay thép hợp kim đội lốt
03/11/2014 09:53
Trong những năm gần đây ngành thép luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, và phần lớn do sức ép cạnh tranh từ thép hợp kim nhập khẩu của Trung Quốc bán với giá rẻ. Sức ép này ngày càng đè nặng lên vai doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt khi bước sang năm 2015 Việt Nam sẽ phải thực hiện cam kết trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực.
Chia sẻ về những vấn đề khó khăn, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- cho biết: Năm 2013 Việt Nam nhập khẩu tới trên 2,3 triệu tấn thép hợp kim- đây được coi là con số nhập khẩu tăng chóng mặt. Và không dừng lại ở đó, bước sang năm 2014 khi thị trường thép trong nước chưa mấy khởi sắc thì lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng đột biến, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu tới gần 3 triệu tấn thép hợp kim. Nếu cứ đà này thì cả năm 2014 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn thép hợp kim, tăng gần gấp hai lần so với năm 2013.
Theo ông Sưa, con số tăng lớn đó chắc chắn có sự gian lận rất lớn trong việc nhập khẩu thép về Việt Nam, là thép xây dựng nhưng lại "đội lốt" thép hợp kim, nhằm hưởng thuế suất 0% rồi bán với giá rẻ, điều này đã gây ra áp lực lớn vì thép trong nước không thể cạnh tranh nổi. Cùng là thép cuộn phi 6 hay phi 8, nhưng sản phẩm trong nước không cạnh tranh được vì đắt hơn thép nhập khẩu từ Trung Quốc tới hơn 1 triệu đồng/tấn.
Mặc dù ngày 31/12/2013 Liên Bộ Công Thương và Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư Liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Các DN sản xuất thép trong nước hy vọng đây là “rào cản” hữu hiệu cho ngành thép. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2014 tới nay lượng thép hợp kim nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng chóng mặt.
Là công ty sản xuất, tiêu thụ thép và lợi nhuận luôn dẫn đầu ngành công nghiệp thép Việt Nam, nhưng Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vẫn không khỏi lo lắng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc được bán với giá rẻ; cùng với đó là việc Việt Nam sắp thực hiện các cam kết trong những Hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết… ngành thép sẽ ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt gấp nhiều lần so với hiện nay - đó là trăn trở của ông Trần Tuấn Dương- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Dương bức xúc, qua theo dõi, lượng thép hợp kim của Trung Quốc nhập tăng đột biến, đây là một vấn nạn rất lớn mà đã từ lâu vẫn chưa có lời giải và là sự gian lận mang tầm quốc tế. Vì muốn hô biến thép xây dựng thành thép hợp kim thì chỉ cần pha thêm một lượng vi lượng Bo siêu nhỏ, với 0,008% sẽ biến thành thép hợp kim. Từ đây Trung Quốc đã tự sáng chế ra một mã hải quan riêng cho mình để được miễn thuế và hoàn thuế ở Trung Quốc, không những vậy lại còn tiếp tục được rỡ bỏ thuế quan ở các nước nhập khẩu khác, từ đó đã tạo ra một sự bất bình đẳng rất lớn với các nước khác, đơn cử như Việt Nam.
Cùng chia sẻ về khó khăn trên, ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam: Việc Trung Quốc tận dụng sắc thuế đối với thép hợp kim bằng việc đưa một hàm lượng Bo rất thấp, với 0,008% (vi lượng) vào sản xuất thép xây dựng để được tính mã thép hợp kim và hưởng thuế suất 0% đã diễn ra từ rất lâu, không chỉ riêng Việt Nam phải gánh chịu, mà các nước Đông Nam Á cũng đang rất bức xúc nhưng vẫn chưa có lời giải.
Ông Cường kiến nghị, chỉ còn cách đối phó bằng việc kiểm soát thật chặt chẽ các đơn vị nhập khẩu thép “chứa Bo” về Việt Nam liệu có được dùng đúng mục đích theo quy định để “chế tạo các chi tiết máy” hoặc dùng cho các yêu cầu cao hay lại biến thép hợp kim dùng thay thế cho thép xây dựng? Nếu không sử dụng đúng mục đích thì cần xử phạt thật nặng và nêu tên trên phương tiện truyền thông làm bài học cảnh báo - ông Cường kiến nghị
Bên cạnh đó, để giúp ngành thép trong nước có chỗ đứng thực sự và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, VSA nhanh chóng đề xuất với liên Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cụ thể hơn đối tượng cần điều chỉnh là mặt hàng gian lận trên.