Yêu cầu của Thủ tướng và sự đi đầu tại Văn phòng Chính phủ
17/01/2015 06:11
(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Văn phòng Chính phủ làm trước, thì các bộ, ngành, địa phương phải làm theo thôi”.
Thủ tướng khẳng định: Trước những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, trước kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến độc lập của Văn phòng Chính phủ là căn cứ rất quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhìn lại năm 2014 và nhìn tới năm 2015, các ý kiến tại Hội nghị của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1 đều nhấn mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo trên các mặt công tác.
Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác quyết tại Thông điệp đầu năm mới 2014, tinh thần này đều phải được các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện, nhưng Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan gương mẫu hàng đầu.
Trong một năm có nhiều dấu ấn nổi bật về xây dựng thể chế - 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, cũng là nhiệm vụ đã được nêu rõ trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Phạm Tuấn Khải cho hay trên 90% ý kiến tham mưu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về xây dựng các văn bản pháp luật đã được Thủ tướng, được Chính phủ đồng ý.
Ông Phạm Tuấn Khải đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng Chính phủ phải mạnh dạn, chủ động hơn nữa trong việc sáng tạo, đổi mới tư duy, để từ đó có nhiều hơn những ý kiến tham mưu mang tầm chiến lược.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng nhắc đi nhắc lại cụm từ "đổi mới, sáng tạo" trong suốt hội nghị. Đổi mới, sáng tạo trước hết là đổi mới, sáng tạo trong tư duy. Bộ trưởng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức: “Tham mưu không thể chỉ là sửa chữa văn bản, bỏ đoạn này, thêm chữ kia. Trong ý kiến trình lên phải có sáng tạo, phải có hàm lượng trí tuệ, phải tìm ra giải pháp mới đúng nghĩa tham mưu”.
Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin là một dấu ấn khác trong hoạt động của Văn phòng Chính phủ năm 2014. Cách đây vài ngày, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao đã chính thức hoạt động liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, với phần mềm này, các công việc đang “chạy” đến đâu đều thể hiện rõ ràng, từ đó giúp cho việc nhắc nhở, đôn đốc.
Đây chính là một ví dụ khẳng định đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên: “Những năm qua, Văn phòng Chính phủ đã trưởng thành rất nhanh nhờ sáng tạo và quyết tâm đổi mới. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, công tác của Văn phòng Chính phủ đang ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại”.
Văn phòng Chính phủ phải làm trước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một mặt ghi nhận những đổi mới, sáng tạo của Văn phòng Chính phủ trong năm qua, mặt khác tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu này trong năm tới.
Về công tác tham mưu tổng hợp, Thủ tướng khẳng định trước những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, trước kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến độc lập của Văn phòng Chính phủ là căn cứ rất quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nhắc lại một số trường hợp chính sách đã ban hành rồi nhưng phải sửa đổi, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải là “người rà soát cuối cùng” để hạn chế những chính sách như vậy. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tinh thần phục vụ, hết lòng, hết sức tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp: “Chỉ đưa thêm vài chữ mà hoạt động của doanh nghiệp, của người dân ách tắc. Chính sách ban hành không chỉ phải đúng quy định mà còn phải khả thi, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Mong các đồng chí đề cao trách nhiệm hơn nữa”.
Việc theo dõi, đôn đốc để thực hiện đúng các chủ trương, chính sách cũng được người đứng đầu Chính phủ đặt ra với Văn phòng Chính phủ. “Trong cải cách hành chính vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã cam kết với tôi là sẽ giảm được mấy trăm giờ nộp thuế, nhưng đó mới chỉ là quy định trên văn bản, còn việc thực thi của đội ngũ công chức nữa. Các đồng chí phải theo dõi sát cái này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin. Các cuộc họp của Chính phủ đã tiến hành trực tuyến, sắp tới cần đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử. “Năm 2014 các phiên họp Chính phủ sử dụng song song báo cáo bản in và bản điện tử để quen dần, năm 2015 này chúng ta thử sử dụng bản điện tử hết xem sao, vừa nhanh vừa tiết kiệm. Áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ phải làm trước. Văn phòng Chính phủ làm trước thì các bộ, ngành, địa phương cũng phải làm thôi”.
Thủ tướng nhắc lại việc sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg kèm theo Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có Quyết định số 971/QĐ-VPCP về vấn đề này. Sau Văn phòng Chính phủ, đến nay tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng quy chế nội bộ. Rồi mới đây nhất, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi đã chính thức hoạt động, khẳng định việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành…
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu về tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng trong công tác bảo đảm thông tin của Văn phòng Chính phủ. Ghi nhận một bước tiến trong vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại công tác thông tin rất kịp thời trong quá trình xử lý các vụ việc lợi dụng biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để gây mất trật tự an toàn xã hội.
Khi đó, Thủ tướng đã kêu gọi người dân cả nước cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, không có hành động quá khích dẫn đến hậu quả đáng tiếc. “Nhưng nếu chờ lập kế hoạch thông tin tuyên truyền thì chậm lắm. Tôi nói các đồng chí chỉ cần nhắn tin qua điện thoại là chỉ đạo của Thủ tướng tới được từng người dân. Bây giờ công nghệ khác lắm rồi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mọi cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Chính phủ phải tham gia công tác thông tin truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin về hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng để dân biết, thực hiện. Đồng thời, nắm bắt các vấn đề thông tin nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm, đề xuất các biện pháp xử lý. “Thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, ai phải làm việc này ngoài Chính phủ?”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu “thông tin phải nhanh lẹ, chính xác, kịp thời”.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải chủ động đưa thông tin cho chính xác trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt hơn”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ./.