Xoay chuyển cuộc chơi với “vũ khí” phòng vệ thương mại (bài 3)
28/03/2016 13:47
Hàng trăm và một vài là hình ảnh đối lập của số vụ kiện phòng vệ thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam ở vai bị đơn và nguyên đơn. Phải chăng, vũ khí mà nhiều quốc gia coi là một phần trong chính sách thương mại, thậm chí là chủ quyền bất khả xâm phạm đang bất khả dụng trong kế sách hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam? Lỗi tại doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu học, hay hội nhập vẫn chưa phải là sân chơi chung của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội? Tình thế này không thể kéo dài hơn nữa…
Đằng sau những nốt lặng
Mấy tuần qua, từ khi Bộ Công thương công bố quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép, thị trường thép Việt nổi sóng.
4 doanh nghiệp (DN) nguyên đơn dù bước đầu thỏa “nguyện vọng”, nhưng tâm lý bất an vẫn chưa hết. Lý do không chỉ vì Bộ Công thương vẫn điều tra để có quyết định cuối cùng sau 200 ngày tới, mà còn vì sức ép dư luận dội lên khi giá cả thị trường thép trở nên bất kham. Có DN biện minh. Có DN im lặng.
Phải nói thêm, sự ủng hộ của Bộ Công thương với bên nguyên đơn khá rõ.
Về lý thuyết, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại phụ thuộc lớn vào năng lực của chính DN nguyên đơn. Sự hiểu biết đầy đủ, tâm thế chủ động, bình tĩnh, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh bị kiện do áp dụng biện pháp tự vệ thiếu căn cứ... chính là chất liệu tuyệt vời tạo nên sức mạnh cho công cụ này.
Nhưng, tại sao DN vẫn lo lắng khi sử dụng công cụ đúng luật? Phải chăng, họ chưa tin vào năng lực của mình, hay nền tảng pháp lý hậu thuẫn cho việc sử dụng các công cụ này ở Việt Nam chưa đủ để DN yên tâm?
Nhìn một cách tổng thể, hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam có khá sớm. Năm 2002, Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về Tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Hai pháp lệnh về chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được ban hành năm 2004. Đi kèm là các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Nhưng ngay ông Nguyễn Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) thừa nhận, DN vẫn chưa tận dụng hiệu quả các công cụ vì hạn chế về kiến thức, chưa chủ động nắm thời cơ bảo vệ mình.
Khảo sát của Trung tâm Hội nhập - WTO (VCCI) gần đây hé lộ nhiều bất ngờ. Trong số 70% DN có nghe nói về công cụ phòng vệ thương mại, chỉ có 25,23% tính tới việc sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp; 14% tính tới việc đi kiện tự vệ.
“Chúng tôi nhận thức được quyền lợi mà DN được bảo vệ, thiệt hại sẽ gặp phải. Chúng tôi cũng xác định đây là việc sống còn của mình”, ông Toàn chia sẻ ỏ góc độ của VnSteel.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về tinh tế và thương mại quốc tế, dù Việt Nam đã có đủ khung pháp lý để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng Bộ Công thương không thể đơn phương khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp đó nếu không có đơn yêu cầu hợp lệ của các DN.
“Để đơn được coi là hợp lệ theo quy định của pháp luật, DN phải bỏ khá nhiều công sức, đặc biệt là việc thu thập thông tin chứng minh cho các lập luận trong đơn. Đây là việc DN Việt Nam ngại nhất. Vì vậy, từ trước tới nay, họ ít sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Tôi hy vọng trong thời gian tới, khi thấy được hiệu quả của phòng vệ thương mại, DN sẽ quan tâm hơn tới việc sử dụng công cụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, ông Khánh kỳ vọng.
Rõ ràng, câu chuyện không chỉ là hành lang pháp lý, nhận thức và quyết tâm của các bên liên quan, mà chính là “nghệ thuật bọc lót” trong việc sử dụng các biện pháp tự vệ thương mại. Dù Nhà nước ủng hộ, nhưng nếu DN không hợp tác tốt, không ứng xử chuyên nghiệp với cộng đồng, mong muốn chung một chiến tuyến không dễ thực hiện.
Tuy vậy, phải khẳng định, động thái mạnh mẽ của các DN ngành thép cho thấy, họ đang dần thoát khỏi tâm lý e ngại kiện tụng. Cách hợp tác để áp dụng công cụ này cũng đang tạo nên sức mạnh của những bó đũa, dù ở Việt Nam việc này không đơn giản (xem bảng).
Nhưng đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vẫn lo, khả năng đi kiện của các ngành dù không quá khó, nhưng vẫn bị o ép bởi lợi ích riêng của DN. Nếu chỉ cùng ngồi bên nguyên đơn mà không cùng lợi ích, công cụ phòng vệ thương mại sẽ bị vô hiệu.
Ở góc độ pháp lý, TS. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam đang cần sự trợ giúp về mặt pháp lý của các công ty luật trong nước và quốc tế. “Nhưng, đúng là phải có tiền mới làm được”, ông Huỳnh bình luận.
Nỗi lo của cơ quan chức năng
Dù còn khá bất an, nhưng DN đang nắm bắt thời cơ để tự bảo vệ mình. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước, thực thi pháp luật dường như vẫn nhiều mối lo.
Theo các chuyên gia thương mại, tranh chấp về các biện pháp phòng vệ thương mại là nhóm có số lượng vụ kiện nhiều nhất (chiếm trên 50% tổng số các vụ kiện tại WTO). Tới đây, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, dòng thương mại hàng hoá khổng lồ di chuyển qua biên giới tăng nhanh, tất sẽ có cạnh tranh giữa sản phẩm nhập ngoại với hàng sản xuất nội địa. Các quốc gia có kinh nghiệm và chuyên sử dụng tự vệ thương mại chắc chắn sẽ có đối sách kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất của họ.
Trong tình thế này, Việt Nam có khả năng lâm vào tình huống “gọng kìm”, vì cùng với WTO, TPP, Việt Nam sẽ bắt tay thực hiện hàng loạt cam kết mở cửa thị trường với EU, Liên minh kinh tế Á- Âu…
Đáng chú ý, những nước tham gia các hiệp định trên đang nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam lại chính là những nước có hàng hóa bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan… Nếu các sản phẩm này đã từng cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường khác, thì không có lý do gì lại cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam, một thị trường gần hơn và việc kiểm soát cạnh tranh còn lỏng lẻo và thiếu kinh nghiệm hơn.
Theo Thứ trưởng Khánh, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại có 2 rủi ro mà chính Bộ Công thương cũng cảm thấy trách nhiệm kiểm soát rủi ro này hết sức nặng nề.
Thứ nhất, áp không đúng theo quy định của WTO và các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia sẽ bị các nước khiếu nại, thậm chí khởi kiện Chính phủ Việt Nam.
Thứ hai, quá thiên về quyền lợi của bên sản xuất, coi nhẹ quyền lợi bên tiêu dùng, dẫn đến bảo vệ quá mức, hay nói cách khác là bảo hộ trá hình.
Ngoài ra, ông Khánh cũng lo về trình độ đội ngũ thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại. “Hiện do các hạn chế về biên chế, lực lượng của chúng tôi rất thiếu. Nếu không tăng cường, chỉ 1-2 năm nữa thôi, sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu của DN”, ông Khánh cho biết.
Sự lo lắng của ông Khánh cho thấy, lời cảnh báo về việc Việt Nam không nên lạm dụng tự vệ thương mại như là một biện pháp bảo hộ quá mức các ngành sản xuất trong nước là đúng. Thậm chí, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần loại bỏ ngành nào hoạt động không hiệu quả dưới áp lực thương mại quốc tế, chuyển nguồn lực đó đến ngành hiệu quả hơn.
Đây có thể là lý do khiến TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chưa muốn nói nhiều về việc DN Việt Nam có nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong thời gian này hay không, nhất là khi ông lo biện pháp áp thuế tự vệ chưa hẳn đã bảo vệ sản xuất trong nước.
“Việt Nam cần chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trước khi nghĩ đến áp dụng phòng vệ thương mại. Vì nếu áp dụng phòng vệ thương mại, nâng thuế lên mà không chống buôn lậu được, lợi bất cập hại, vì hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng tràn vào nhiều hơn”, ông Cung nói.
Lợi ích của việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đã rõ, nhưng bức tranh không mấy khả quan khi nhận thức cũng như năng lực của DN Việt Nam về “vũ khí” mình sở hữu và cách thức sử dụng chúng còn rất hạn chế. Trong khi những ông trùm “kiện tụng” trên thị trương ngày càng điêu luyện, thì sự hạn chế này, nếu không kịp thời bổ khuyết, sẽ biến thành “gậy ông đập lưng ông”. Mà phần bổ khuyết này đòi hỏi trách nhiệm và nghệ thuật bọc lót của Chính phủ, từng doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội.
Doanh nghiệp ‘cùng hội, cùng thuyền’ phải sát cánh bên nhau
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Trong kinh doanh vừa phải cạnh tranh, vừa phải hợp tác, chứ nếu cứ mạnh ai nấy làm, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, thì sẽ bị mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Khi có đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng, mặt hàng nhập khẩu nào đó đang bị bán phá giá, bán dưới giá thành sản xuất, doanh nghiệp “cùng hội, cùng thuyền” phải sát cánh bên nhau tiến hành ngay các thủ tục để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước áp thuế tự vệ, thậm chí là khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chứ đừng ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra rằng, nếu mình áp thuế mặt hàng này của họ thì họ sẽ trả đũa bằng cách áp thuế đối với mặt hàng khác của mình.
Có lợi mà không sử dụng được thì đó là điều rất tiếc
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế
Trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ thực thi các FTA, sản xuất trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn trên sân nhà.
Chúng ta không ngại cạnh tranh, nhưng đó phải là cạnh tranh bình đẳng, đúng luật. Cam kết quốc tế cho phép ta sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, đúng luật mà ta không sử dụng được thì đó là điều rất tiếc.
Hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng như của Việt Nam trong 30 năm đổi mới, hội nhập vừa qua cho thấy mặt thuận lợi là cơ bản. Chủ yếu rủi ro và thách thức có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động để phòng chống rủi ro và vượt qua thách thức.