Xóa bỏ điều khoản gây sợ hãi cho doanh nghiệp, doanh nhân

Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, một điều luật gây sợ hãi cho doanh nghiệp bấy lâu đã bị đưa ra khỏi Dự thảo, đó là tội kinh doanh trái phép.

26/05/2015 08:08

Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, một điều luật gây sợ hãi cho doanh nghiệp bấy lâu đã bị đưa ra khỏi Dự thảo, đó là tội kinh doanh trái phép.

Còn nhớ, năm 2012, một sự việc gây sự chú ý của dư luận, đó là nam người mẫu Vĩnh Thụy (trú tại TP.HCM) bị bắt và truy tố vì tội kinh doanh trái phép. Hành vi của Vĩnh Thụy chỉ là đi du lịch sang Australia và tranh thủ mua điện thoại iPhone và máy tính xách tay Apple Macbook về bán kiếm lời (số lượng khoảng 1.000 sản phẩm qua nhiều lần). Vĩnh Thụy đã bị kết án 6 tháng tù vì tội danh trên.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc bị quy kết vào hành vi kinh doanh trái phép mà đối tượng bị điều chỉnh không nghĩ đi tù lại “dễ” đến thế.

Theo Điều 159, Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào kinh doanh không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được phép hoặc có hành vi khác trái với quy định của Nhà nước về kinh doanh công thương nghiệp, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, theo điều luật trên, chỉ cần kinh doanh khi chưa được cấp phép là đã có thể bị đi tù. Luật sư Phạm Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, điều luật này gây nên nỗi sợ hãi cho các cá nhân và doanh nghiệp, làm mất hết tính chủ động kinh doanh của họ.

Ông Sơn lấy ví dụ, một doanh nghiệp trong giấy phép đăng ký kinh doanh không có lĩnh vực nào đó, nhưng khi phát hiện thấy thị trường đang có nhu cầu về lĩnh vực này, họ đầu tư luôn để khỏi mất cơ hội, trong khi chưa kịp xin bổ sung vào giấy phép kinh doanh. Hành vi của họ lập tức bị tuýt còi, thậm chí ông chủ doanh nghiệp có thể bị đi tù.

Điều luật trên ra đời trong bối cảnh cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân chưa thoát khỏi tư duy bao cấp. Tư tưởng người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép còn rất nặng nề, nên đến nay không còn phù hợp. Quan điểm hiện nay là, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, chứ không phải là làm những gì mà pháp luật cho phép.

“Với quy định trên, người dân không dám kinh doanh hoặc kinh doanh trong sự sợ hãi, đối mặt thường xuyên với rủi ro pháp lý. Thực tế những năm vừa qua, đã có nhiều doanh nhân bị tù vì tội này. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu vực kinh tế tư nhân của nước ta chưa phát triển”, luật sư Sơn nhận xét.

Ngay cả các thẩm phán cũng cho rằng, điều luật này gây nên sự bất công. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng quy định tại Điều 159, Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội kinh doanh trái phép vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, một thực tế ở nước ta là, các văn bản hướng dẫn luật chậm được ban hành. Sau khi luật ban hành, phải có nghị định, thông tư thì mới thực hiện được. Nhưng vì các văn bản hướng dẫn thường chậm ban hành, nên gây nhiều khó khăn cho các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh. Sự chậm trễ này buộc cá nhân, doanh nghiệp, nếu không muốn bị mất cơ hội, phải tiến hành kinh doanh khi chưa được cấp phép.

Bên cạnh đó, một số quy định về kinh doanh lại không có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên để triển khai, các địa phương phải tự hướng dẫn. Điều đó dẫn đến nghịch lý là, trên cùng một đất nước, trong cùng một thời gian, cùng hướng dẫn một văn bản luật, nhưng mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau. Những bất hợp lý này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chấp hành pháp luật về kinh doanh. Các quy định về thủ tục kinh doanh quá khó khăn, quá phiền hà đã trở thành nguyên nhân khiến một số người phải kinh doanh trái pháp luật.

Trong cuộc tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, bà Lê Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, việc bỏ tội kinh doanh trái phép sẽ giúp đổi mới chính sách hình sự, nhằm khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 - vốn đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo bà Hòa, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất phi hình sự hóa đối với một số hành vi trước kia quy định là phạm tội, nhưng nay không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế.

“Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua năm 2014 đã thể hiện rõ tư tưởng này. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh rồi tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà không còn phải xin phép, ghi vào giấy phép ngành nghề, lĩnh vực cụ thể như trước đây. Bởi thế, điều luật quy định về tội kinh doanh trái phép không còn cơ sở để tồn tại”, bà Hòa phân tích.

Hầu hết doanh nghiệp được hỏi ý kiến đều tán thành với việc Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cởi bỏ “vòng kim cô” trên đầu họ bấy lâu. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Lộc hồ hởi, việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép sẽ gỡ bỏ lo ngại “sẩy chân” vào tù của người kinh doanh, giúp các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế an tâm hơn. Lý do là, hành vi cấu thành tội này không rõ ràng, ranh giới giữa có tội và không có tội rất mơ hồ.

Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn, liệu việc bỏ tội kinh doanh trái phép có dẫn đến hiện tượng lách luật, hình thành các nhóm tội phạm gây lũng đoạn nền kinh tế hay không? Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, chúng ta phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, các cơ quan kiểm soát phải nâng cao trình độ, năng lực của mình để quản lý doanh nghiệp, không để xảy ra hiện tượng lũng đoạn kinh tế.