VNSteel: Phát triển bền vững gắn liền với công tác bảo vệ môi trường
29/11/2016 08:49
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) đã và đang chú trọng đặc biệt tới yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đối với VNSteel, tại các cuộc họp giao ban, hội nghị, tổng kết, lãnh đạo Công ty thường xuyên chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNSteel phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong các đơn vị thành viên của VNSteel. Đó không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là yêu cầu các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của VNSteel.
VNSteel hiện là đơn vị dẫn đầu về sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép tại Việt Nam. Đồng thời, VNSTEEL cũng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng và nghiên cứu các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong sản xuất thép. VNSTEEL đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong công tác bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các dự án đầu tư nâng cấp cải tạo, các sáng kiến và giải pháp kỹ thuật để cải tiến quy trình công nghệ, với mục tiêu làm cho môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp hơn.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc VNSTEEL chia sẻ, VNSTEEL luôn hiểu rằng, mình phải là người tiên phong, đi đầu trong việc định hướng, lựa chọn các công nghệ sản xuất thép tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần “phát triển bền vững”. Dù có nhiều thách thức, VNSTEEL sẽ tiếp tục kiên trì với sứ mệnh đã lựa chọn và gắn trách nhiệm phát triển của VNSTEEL với trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội.
Lãnh đạo VNSTEEL cam kết thông qua người đại diện sẽ chỉ đạo các Công ty trong hệ thống VNSTEEL tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. VNSTEEL sẽ chủ động xây dựng kế hoạch hành động, nắm bắt kịp thời, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại…, góp phần tích cực vào phát triển bền vững của các đơn vị thành viên nói riêng và VNSTEEL nói chung.
“Chúng tôi đang nỗ lực biến nhận thức về bảo vệ môi trường thành ý thức tự giác và hành động cụ thể ở từng vị trí sản xuất. Trong bảo vệ môi trường, phải lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ và tái tạo môi trường; phải huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, phát huy tính sáng tạo của người lao động trong việc hợp lý hóa sản xuất cải thiện môi trường”, ông Đa nhấn mạnh.
Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém của công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường thời gian qua.
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân. Nhiều người nghĩ rằng, những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Tuy nhiên, việc phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ, nhưng tập hợp nhiều người lại sẽ thành lớn.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình sản xuất, khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó còn là những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay, có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Để giải quyết một cách tổng thể, căn bản vấn đề môi trường, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật; triển khai các chương trình, nhiệm vụ cụ thể để ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm.
“Tuy nhiên, bảo vệ môi trường không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, mà cần có sự chung tay, góp sức của tất cả chúng ta trong cả quá trình liên tục và lâu dài”, ông Đa nhấn mạnh.