VNSTEEL News 44
Những nội dung chính có trong bản tin tuần này:
- Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
- Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch thăm và làm việc tại Công ty TNHH NatSteelVina
- Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL ươm mầm tri thức, nuôi dưỡng tương lai
- Hành trình đỏ VNSTEEL 2024: Viết tiếp hành trình “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”
28/06/2024 14:35
Tin 1: Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành Thép. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.
Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại… nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công. Hiệp hội Thép còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian hu hồi vốn dài.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Phạm Hồng Diên, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sắt thép, từ góc độ quản lý ngành, Bộ đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chủ đạo.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác quốc tế, đầu tư, khai thác nguyên vật liệu tại nước ngoài phục vụ phát triển ngành Thép trong nước.
Đối với các giải pháp thu hút đầu tư, tạo nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất, Bộ sẽ tập trung phát triển năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là phát triển nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành Thép và hệ thống các doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất và phát triển thị trường; khuyến khích hợp tác thăm dò, khai thác nguyên liệu tại nước ngoài phục vụ sản xuất trong nước.
Đặc biệt, ưu tiên phát triển các sản phẩm thép yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện nay trong nước chưa sản xuất được hoặc năng lực cung cấp còn chưa đáp ứng, như: Thép cán nóng HRC, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cường độ cao, siêu nhẹ sử dụng cho các thiết bị vận tải cho ngành sản xuất xe hơi...
Đối với các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành Thép.
Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành Thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài
Tin 2: Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch thăm và làm việc tại Công ty TNHH NatSteelVina
Vừa qua, đoàn công tác gồm đại diện Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch đã có buổi làm việc và tham quan Công ty TNHH NatSteelVina - Thép Việt-Sing. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3).
Theo thiết kế Hợp phần 3 của Chương trình DEPP3, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp (VAS). Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện kiểm toán năng lượng và các nghiên cứu kinh tế - kỹ thuật sâu hơn để đánh giá các cơ hội, thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng. Thép Việt - Sing là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia Chương trình VAS. Buổi làm việc và tham quan nhằm mục đích tìm hiểu thực tế về tiến độ dự án và kết quả hợp tác giữa hai bên.
Tại buổi làm việc, đoàn đại biểu đã được nghe đại diện của NatSteelVina trình bày về các phát hiện từ báo cáo sàng lọc, báo cáo kinh tế - kỹ thuật chuyên sâu(Fre-FS) do tư vấn Đan Mạch và Việt Nam thực hiện để xác định các cơ hội triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng.
Ông Kristoffer Böttzauw, Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả và tiến độ dự án. “Tôi rất ấn tượng về các phát hiện của các chuyên gia. Điều này cho thấy tiết kiệm năng lượng không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật, mà còn rất khả thi về mặt kinh tế. Những hoạt động hợp tác đang thực hiện ở NatSteelVina có thể là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp khác tại Việt Nam thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn và tiến tới đầu tư cho hiệu quả năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế xanh”, ông Kristoffer Böttzauw chia sẻ.
Trong giai đoạn trước, doanh nghiệp đã được Chương trình DEPP3 hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện đánh giá các tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với các công đoạn sản xuất có cơ hội triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng. Nâng cao hiệu suất lò nung RHF là một giải pháp được đánh giá cao về tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật.
Được biết, lò nung RHF tại NatSteelVina sử dụng hệ thống điều khiển chưa được tối ưu hóa và đây là cơ hội để tiếp cận và cải tiến nhằm tiết kiệm năng lượng. Qua đánh giá sơ bộ, đơn vị tư vấn của Chương trình đã đề xuất giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển lò RHF nhằm tối ưu hóa quá trình đốt. Điều này không những cải thiện hiệu suất lò, giảm thiểu khí thải mà còn đem lại lợi ích nằm ngoài mục tiêu ban đầu là giảm hình thành vảy oxit - cháy hao kim loại trên phôi thép trong quá trình nung.
Tính toán sơ bộ cho thấy, việc cải thiện lò nung sẽ giúp NatSteelVina giảm chi phí sản xuất khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm thông qua giảm lượng dầu FO tiêu thụ và giảm cháy hao kim loại trong quá trình nung phôi. Đồng thời sẽ giảm khoảng 440 tấn phát thải CO2/năm. Thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến 2 năm. Từ kết quả khả quan của nghiên cứu ban đầu, NatSteelVina đề nghị Chương trình tiếp tục hỗ trợ thực hiện nghiên cứu kinh tế-kỹ thuật chuyên sâu(FS) để đánh giá các cơ hội, thách thức, rủi ro... của giải pháp. Dự kiến báo cáo này sẽ được hoàn thành trong tháng 8 và trình Ban Tổng Giám đốc để cân nhắc quyết định đầu tư. Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan các dây chuyền sản xuất chính và trao đổi thêm về các cơ hội nâng cao hiệu quả năng lượng, giảm phát thải của nhà máy.
Tin 3: Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL ươm mầm tri thức, nuôi dưỡng tương lai
Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha và quán triệt sâu sắc quan điểm của lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) về chia sẻ cộng đồng, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL (Công ty Thép Miền Nam - VNSTEEL) đã luôn tích cực tham gia vào các chương trình xây dựng và phát triển cộng đồng, an sinh xã hội.
Thực hiện chương trình an sinh xã hội năm 2024 của Công ty, vừa qua Công ty Thép Miền Nam - VNSTEEL đã tổ chức trao 150 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng cho 150 học sinh vượt khó, hiếu học, học giỏi và trao tặng 150 triệu đồng vào quỹ khuyến học tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mong muốn tạo điều kiện cho các em học sinh vượt khó, hiếu học, học giỏi, thuận lợi hơn trên con đường học vấn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Thép Miền Nam - VNSTEEL cũng đã tổ chức chương trình trao các thiết bị tin học phục vụ công tác giáo dục tại Trường THCS xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh như: máy tính để bàn, Smart Tivi, máy điều hòa… tổng trị giá là của các thiết bị là 300.000.000 đồng. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ, đưa công nghệ thông tin đến với các em học sinh các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa; giúp nhà trường có điều kiện giảng dạy và học tập tốt môn tin học, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin cho giáo viên, học sinh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học của nhà trường. Cũng nhân dịp này, Công ty Thép Miền Nam - VNSTEEL thực hiện trao 20 suất học bổng, mỗi xuất 1.000.000 đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó của Trường THCS xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL luôn quan tâm đến các hoạt động vì cộng đồng như giáo dục, y tế, thiện nguyện… để kiến tạo các giá trị tốt hơn cho xã hội và cộng đồng, chung tay, góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng, phồn vinh.
Tin 4: Hành trình đỏ VNSTEEL 2024: Viết tiếp hành trình “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”
Với tinh thần “Trao giọt máu hồng - Nhân đôi sự sống”, “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”; Đoàn Thanh niên Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã triển khai xây dựng chương trình Hành trình đỏ VNSTEEL ngay từ đầu năm nhằm hưởng ứng Chiến dịch những giọt máu hồng hè năm 2024. Trong vòng 4 tháng từ tháng 3 đến tháng 6/2024, Tuổi trẻ VNSTEEL đã làm cầu nối tổ chức 4 chương trình hiến máu tình nguyện tại các cụm Đoàn trực thuộc Cụm Hà Nội, Cụm Thành phố Hồ Chí Minh, Cụm Đồng Nai, Cụm Bà Rịa - Vũng Tàu. Hoạt động thu hút trên 800 tình nguyện viên tại các đơn vị hệ thống VNSTEEL và thu về 624 đơn vị máu (tương đương số lượng trong cả năm 2023).
Hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm, bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và Chương trình hiến máu tình nguyện - “Hành trình đỏ VNSTEEL” là một chuỗi hành trình thường niên trong suốt nhiều năm qua của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, được đông đảo cán bộ công nhân viên lao động (CBCNV-LĐ) hưởng ứng tham gia. Đây là hoạt động luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí Lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các đơn vị và các phòng ban chuyên môn, tổ chức Công đoàn các cấp. Cũng như mọi hành trình đỏ đã qua, Công đoàn Tổng công ty đã rất quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về cả vật chất, tinh thần cùng phối hợp với Đoàn Thanh niên Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP để hỗ trợ mỗi người lao động trong hệ thống VNSTEEL tham gia hiến máu, góp phần tổ chức thành công Chương trình Hiến máu tình nguyện năm 2024 và trong nhiều năm qua.
Có thể thấy, Hành trình đỏ VNSTEEL đã góp phần khơi dậy giá trị đạo đức truyền thống, hướng đến các hoạt động thiện nguyện trong toàn thể CBCNV-LĐ cùng chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng, sống có trách nhiệm với xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ, Đoàn viên Thanh niên, người lao động của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP.
VNSTEEL News