VNSTEEL: Đương đầu với "cuộc chiến" cắt lỗ
27/05/2014 15:06
Để cắt được khoản lỗ 800 tỷ đồng của 2 năm trước (2012-2013), Tổng công ty Thép Việt Nam cần sự thay đổi đột phá. Đây chính là thách thức lớn đối với tân Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa.
Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về khó khăn của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) và những biện pháp khắc phục trong thời gian tới, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng giám đốc mới của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Xin ông cho biết những gánh nặng hiện nay trong hoạt động của VNSTEEL?
Có thể nói sơ qua, 4 gánh nặng hiện nay của Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đang gánh: Thứ nhất, thua lỗ trong 2 năm liên tiếp lên tới trên 800 tỷ đồng, con số này đang là gánh nặng tài chính cho VNSTEEL; thứ 2, Tổng công ty đang quản lý danh mục đầu tư ra ngoài công ty mẹ, trong đó nhiều công ty con, liên kết… có công ty sản xuất kinh doanh đã thua lỗ kéo dài; thứ 3, việc góp vốn vào các dự án đang đầu tư dở dang lại bị chậm tiến độ, dẫn tới phát sinh chi phí đầu tư lớn…; thứ 4, mặc dù đã có thay đổi, nhưng trong nội tại của VNSTEEL vẫn còn sự chậm đổi mới về tư duy, sáng tạo, thậm chí sức ì lớn, khiến kỹ năng ra quyết định ngày càng yếu. Đó cũng là 4 thách thức đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá trong quản trị và điều hành sản xuất kinh doanh của Ban lãnh đạo Tổng công ty là. Thực sự cần có sự “thay máu”!
Vậy sự “thay máu” ở đây cụ thể là gì, thưa ông?
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của chúng tôi là phải chấm đứt tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ và có lãi. Đơn cử như Tôn mạ Thăng Long, Kim khí Hà Nội hay các mặt hàng đặc biệt như thép dự ứng lực… chúng tôi yêu cầu phải kiểm soát đặc biệt, hàng tháng phải báo cáo. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên mới đưa lò LF vào hoạt động tốt, thị trường khả quan, bên cạnh đó cương quyết giải quyết các vấn đề về tài chính, nợ khó đòi. Hiện tại đã có cơ sở để nói là tình hình đã được cải thiện. Ngay trong tháng 5 này đã thấy được sự chuyển động đáng mừng…
Tuy nhiên, đây mới là bước đi cho sự khởi đầu của "cuộc chiến" cắt lỗ, còn để làm tốt hơn nữa là cả vấn đề. Do đó, hiện nay Tổng công ty đang tập trung vào thực hiện những giải pháp cấp bách mang tính đột phá trong công tác điều hành quản trị của công ty mẹ. Cụ thể là chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty mẹ từ trực tiếp sản xuất kinh doanh và quản lý đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết sang mô hình mới là công ty mẹ không còn trực tiếp thực hiện sản xuất kinh doanh như trước đây.
Theo đó, sẽ tách các đơn vị sản xuất trực thuộc thành doanh nghiệp (DN) độc lập, nhằm tăng tính tự chủ, và chính các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh làm sao phải có lãi...
Sau khi sắp xếp, Công ty mẹ sẽ có trách nhiệm quản trị chung, thực hiện chiến lược khung cho toàn bộ hệ thống, phụ trách và giám sát các vấn đề về chính sách, thương hiệu… Đồng thời, VNSTEEL cũng thực hiện sắp xếp lại hệ thống phân phối hiện tại của công ty mẹ, mạnh dạn cắt bỏ các tổ chức trung gian để giảm chi phí, đưa sản phẩm đến thẳng khách hàng, với phương châm “khách hàng là số 1”.
Bên cạnh những giải pháp có tính chất “thay máu” nói trên, Tổng công ty cũng thực hiện song song việc kiểm tra lại nguồn lực, trong đó đặc biệt là rà soát lại các danh mục đầu tư. Bởi hiện nay Tổng công ty đang đầu tư ở 13 công ty con và 29 công ty liên kết. Do đó, sẽ phải rà soát và cơ cấu lại để tập trung vào ngành nghề cốt lõi nhằm nâng cao năng lực tài chính. Đây là “bài toán” mang tính dài hạn, “biết mình, biết người” mới đi đến thắng lợi.
Ông Nghiêm Xuân Đa- Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.
Một số dự án đang xây dựng dở dang, đặc biệt là dự án giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên đang rất khó khăn, theo ông cần có những phương án hay sự hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý?
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ, dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư và chưa thu xếp được phần vốn vay bổ sung của dự án. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và đồng ý nguyên tắc về việc các ngân hàng tiếp tục cho vay nhưng đến nay còn đang vướng mắc.
Để khắc phục và tháo gỡ các khó khăn cho chủ đầu tư, giải pháp hiện nay của Tổng công ty là đang yêu cầu Tisco tư rà soát lại từng hạng mục dở dang, đưa ra những giải pháp. Trong trường hợp, nếu việc đàm phán với nhà thầu tiếp diễn không hiệu quả thì trực tiếp là chủ đầu tư, Tổng công ty phải có phương án chủ động, tránh tình trạng kéo dài để vốn đầu tư tăng lớn.
Đặc biệt phía tổng công ty sẽ có chỉ đạo tăng cường nguồn lực lại bằng nhiều biện pháp, làm sao cải thiện dòng tiền cho công ty, từ đó tạo được niềm tin để chứng minh cho ngân hàng dự án đưa vào sản xuất có hiệu quả, có khả năng trả nợ ngân hàng đảm bảo một cách an toàn. Khi khơi thông nguồn vốn, chủ đầu tư sẽ tập trung vào xây dựng hoàn thiện những hạng mục chính, như: luyện gang, luyện thép để đưa vào sản xuất trước, theo dự kiến cuối năm 2015 cho sản phẩm thép. Tuy nhiên, để thành công cần tới sự hỗ trợ và ủng hộ từ các cấp, đặc biệt là chia sẻ của ngân hàng để thành công như mong muốn.
Áp lực cắt lỗ, đưa VNSTEEL trở về phát triển ổn định và có lãi, đây có là những gánh nặng quá sức với bản thân ông hay không?
Việc đưa VNSTEEL trở về phát triển ổn định và có lãi trong tình hình khó khăn chung như hiện nay quả là một áp lực rất lớn không chỉ riêng tôi mà còn cả với Hội đồng quản trị Tổng công ty. Tuy nhiên, với ý chí kiên quyết triển khai đồng bộ những giải pháp cấp bách và nhờ vào sức mạnh tập thể với trên 14.000 CBCNV-LĐ toàn hệ thống giúp ban lãnh đạo đồng lòng chia sẻ, tin rằng gáng nặng đó sẽ giảm đi và sẽ vượt qua để chấm dứt tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ trong năm 2014 và có lãi, từ đó đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Tổng công ty trong giai đoạn tới.
Xin cảm ơn ông!