Việt Nam sẽ sớm thành lập nhóm chuyên trách về cổ phần hóa DNNN
29/10/2014 13:42
Theo Bloomberg, Việt Nam có kế hoạch thành lập một nhóm làm việc nhằm thúc đẩy việc bán cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy tăng GDP khi mà kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng dưới 7% năm thứ bảy liên tiếp. Kế hoạch cổ phần hóa đã chậm hơn mục tiêu của chính phủ khi chỉ 71% DNNN thực hiện bán cổ phần trong 9 tháng đầu năm nay, so với mục tiêu 200 doanh nghiệp cho cả năm.
Michel Tosto, Trưởng Bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng sẽ có rất nhiều vấn đề trong việc IPO của các DNNN mà nhóm làm việc phải tập trung giải quyết. Ông Michel Tosto bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng "có thể chính phủ cần thuê các công ty chứng khoán chuyên nghiệp để giúp tiến hành các đợt IPO".
Nhóm công tác này sẽ bao gồm thành viên từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM, và có thể mời thêm các chuyên gia độc lập từ các quỹ đầu tư, ông Tiến cho biết. Nhóm này sẽ được thành lập trong một tương lai gần, ông Tiến nói, tuy nhiên không đưa ra khung thời gian cụ thể.
Nhóm công tác sẽ xem xét kỹ lưỡng quá trình chuẩn bị IPO của các công ty và chỉ ra bất kỳ vấn đề nào có thể khiến IPO thất bại, chẳng hạn thiếu thông tin minh bạch, chất lượng hàng hóa chưa tốt, ông Tiến nói. Nhóm này cũng sẽ rà xoát để đảm bảo cổ phiếu được định giá phù hợp và giúp các doanh nghiệp marketing tốt hơn, chủ động tìm kiếm, kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng, ông Tiến cho biết.
"IPO thất bại làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư và làm tổn hại tới các đợt IPO trong tương lai", ông Tiến nói. Do đó, thành lập nhóm công tác này càng sớm thì càng giúp doanh nghiệp thoái vốn nhanh hơn và IPO dễ thành công hơn.
Việt Nam dự kiến bán cổ phần của 432 doanh nghiệp đến cuối 2015. Trong năm nay, tổng số 36 doanh nghiệp đã tổ chức IPO tính tới 22/9, chưa có doanh nghiệp nào niêm yết giao dịch cổ phiếu. Việt Nam đã huy động được 3,14 nghìn tỷ đồng (148 triệu USD) từ các đợt bán cổ phần này, thấp hơn mục tiêu 4,74 nghìn tỷ đồng đã đặt ra cho các IPO này.
Tháng trước, Thủ tướng đã ban hành quyết định yêu cầu các DNNN phải nhanh chóng niêm yết cổ phiếu sau khi IPO. Đồng thời yêu cầu SCIC mua lại cổ phần của các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu thất bại.