Việt Nam sắp gia nhập AEC: Bộ trưởng KH&CN khuyên gì doanh nghiệp?

Cuối 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khuyên doanh nghiệp Việt Nam thắt lưng buộc bụng, dốc toàn lực đổi mới công nghệ. Đây là điểm mấu chốt để tạo ưu thế cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung.

17/03/2015 09:41

Phần lớn công nghệ thập niên 70, 80

Thưa Bộ trưởng, cuối năm nay, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam so với khu vực? Thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải?

Năm 2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thời gian còn rất ít để chúng ta vào cuộc chơi chung, không còn hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ. Khi ấy sẽ không có chuyện công nghệ lạc hậu nhưng sản phẩm vẫn bán được giống như hiện nay. Tôi lấy ví dụ, gần đây báo chí có nhắc nhiều đến chuyện của ngành mía đường. Trong khi người nông dân trồng mía thì bấp bênh, người dân và doanh nghiệp thực phẩm phải mua đường cao gấp rưỡi thế giới.

Lý do là chúng ta bảo hộ ngành sản xuất đường trong nước. Các nhà máy đường có công nghệ rất lạc hậu, vùng nguyên liệu kém nhưng nhờ hàng rào thuế quan và chính sách bảo hộ cộng với việc chống nhập lậu, ngành đường vẫn tồn tại. Khi tham gia AEC, không còn hàng rào thuế quan, không còn bảo hộ, nếu doanh nghiệp sản xuất đường không đổi mới công nghệ, cải thiện vùng nguyên liệu thì sẽ không có sức cạnh tranh, người dân sẽ mua đường của nước ngoài vì giá rẻ hơn.

Nói như vậy để thấy, khi tham gia AEC, muốn cạnh tranh được, sản phẩm phải tốt, giá thành hợp lý. Việc tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh như vậy phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Nếu không có công nghệ tương đương hoặc cao hơn, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không đủ sức cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất thấp. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất rất yếu, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với viện, trường, cơ sở nghiên cứu. Sự quan tâm của doanh nghiệp với đổi mới công nghệ cũng rất hạn chế. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 quy định, doanh nghiệp nhà nước phải dành 3-10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN, các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước phải thành lập quỹ phát triển KHCN. Nhưng thực tế, chỉ một số ít doanh nghiệp như Viettel, Petrovietnam làm việc này. Phần lớn công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam đang dùng là của thập niên 70, 80, sức cạnh tranh rất kém.

Nói theo cơ cấu ngành kinh tế, chúng ta có thế mạnh công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng ngành này có giá trị gia tăng rất thấp, tỷ trọng trong GDP lại giảm dần. Hơn nữa sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao nhưng chất lượng sản phẩm lại thua các nước trong khu vực nên giá bán cũng thấp hơn. Về công nghiệp, một số ngành hẹp có thế mạnh như sản xuất vắc xin, thiết kế, xây dựng công trình thủy điện, giàn khoan dầu khí. Nếu chúng ta tập trung đầu tư cho doanh nghiệp trong những ngành có thế mạnh kể trên thì giữ được vị thế cạnh tranh nhất định.

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Bộ trưởng đánh giá sự chuẩn bị về mặt công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cho cuộc đua cạnh tranh sắp tới như thế nào?

Ở góc độ quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN, Quyết định 538/QĐ-TTg về chương trình hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương về KHCN đến năm 2020 và Quyết định 1069/QĐ-TTg phê duyệt chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ cũng phê duyệt chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020. Các bộ, ngành sản xuất ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phải xây dựng các hợp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất thấp. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất rất yếu, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với viện, trường, cơ sở nghiên cứu”.

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân

Việt Nam và Singapore là hai quốc gia được đánh giá là chuẩn bị tương đối tốt cho việc tham gia vào AEC. Chủ quan tôi đánh giá là hệ thống quản lý nhà nước của Việt Nam đã rất khẩn trương và cố gắng chuẩn bị. Tuy nhiên nhìn ở góc độ toàn xã hội thì thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều sự chuẩn bị. Nhiều doanh nghiệp còn chưa biết năm nay chúng ta tham gia AEC và khi tham gia AEC thì phải chuẩn bị những gì.

Bản thân tôi có lời khuyên cho doanh nghiệp là ngay từ bây giờ phải khẩn trương đổi mới công nghệ, thắt lưng buộc bụng, tập trung toàn bộ nguồn lực mà doanh nghiệp có để đổi mới công nghệ. Tất nhiên việc chuyển đổi là có lộ trình trong vài ba năm nhưng thời gian ấy vẫn là quá ngắn để doanh nghiệp Việt Nam tự cứu mình. Vì thế, ngay bây giờ phải dốc toàn lực đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực mới tạo được sản phẩm có sức cạnh tranh.

Hiện nay có những chương trình nào hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ?

Thấy được nhu cầu cấp thiết của đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia và lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN cũng đã được thành lập, nhưng do rất mới nên vai trò của đơn vị này còn mờ nhạt, việc hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Bộ KH&CN cũng đã huy động thêm một nguồn lực khác là các nhà tài trợ quốc tế, như Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan IPP.

Dự án này đang thực hiện giai đoạn 2 với tiền tài trợ 11 triệu euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để vươn ra thị trường quốc tế; tổ chức đào tạo các chuyên gia đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Dự án Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KHCN (FIRST) của Ngân hàng Thế giới có trị giá 110 triệu USD, trong đó dành một phần lớn để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.

Xin cám ơn Bộ trưởng!