Việt Nam đã nhập gần 1,1 triệu tấn tôn Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để quản lý sản phẩm thép nhập khẩu.

01/12/2015 16:54

Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để quản lý sản phẩm thép nhập khẩu.

Xin ông cho biết tình hình nhập khẩu tôn vào Việt Nam trong những tháng gần đây?

Lượng tôn có xuất xứ Trung Quốc NK đang tăng đột biến trong 2015. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 1,1 triệu tấn, chiếm 32,2% thị phần trong nước, trong khi năm ngoái khối lượng nhập khẩu, tuy lớn, nhưng cũng chỉ là 750.000 tấn.

Lượng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn, có giá rẻ và chất lượng kém, điều này gây tổn thất nghiêm trọng với các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt khi tình trạng tôn giả, tôn nhái kém chất lượng được nhập khẩu và dán nhãn các thương hiệu uy tín trong nước để tiêu thụ.

Trong hội thảo năm ngoái tình trạng tôn giả, kém chất lượng cũng được nêu lên như một vấn nạn. Mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều động thái để ngăn chặn tình trạng này nhưng vì sao vẫn chưa thuyên giảm, thưa ông?

Đối với vấn nạn tôn giả, tôn kém chất lượng, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc tích cực tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Hiện tượng tôn giả vẫn tồn tại, hoành hành ở khắp nơi.

Những thiệt hại cho doanh nghiệp chưa có con số chính xác nhưng có thể định tính được là Nhà nước thất thu thuế, mất uy tín doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn bị “móc túi” do mua phải hàng không đủ chất lượng.

Do vậy, việc chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là việc của riêng ai cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp mà là việc của toàn xã hội.

Trong khi sản xuất trong nước gặp khó khăn thì ở đầu ra xuất khẩu, sản phẩm tôn thép bị nhiều nước khởi kiện. Vậy, theo ông cần có biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp để tránh những rủi ro này?

Khi xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có các loại tôn thép sang các nước (chủ yếu là thị trường Đông Nam Á), doanh nghiệp Việt Nam vấp phải những vụ kiện chống bán phá giá hay phòng vệ thương mại. Đây là việc bình thường trong thương mại quốc tế bởi nước nào cũng mong muốn bảo vệ sản xuất trong nước.

Tham gia các vụ kiện phức tạp đòi hỏi kiến thức về luật pháp, kiến thức ngoại ngữ, số liệu đầy đủ vừa tốn kém tiền, thời gian. Trong những vụ kiện này chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Tất nhiên, Việt Nam cũng đã kiện và thắng kiện nhưng trong những vụ kiện tới cần chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực tài chính, khoa học công nghệ còn hạn chế.

Trong nhập khẩu các sản phẩm thép hiện chúng ta mới có một số tiêu chuẩn kỹ thuật về tôn mạ kẽm nhập khẩu, các sản phẩm thép còn lại hầu như chưa có. Để bảo vệ thị trường trong nước cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để quản lý các sản phẩm thép nhập khẩu.

Ông có khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp?

Để giữ thị trường nội địa, đề nghị các doanh nghiệp thành viên không ngừng nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của mình. Tính cạnh tranh các sản phẩm thép biểu hiện qua nhiều tiêu chí như giá cả, thương hiệu, chất lượng và dịch vụ sau bán hàng.

Doanh nghiệp sản xuất thép phải luôn nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm lấn của các sản phẩm tôn, thép ngoại nhập, đặc biệt là các sản phẩm tôn, thép nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất rẻ. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để chống gian lận thương mại và hàng giả.