Ứng phó với kiện chống bán phá giá thép: Cần quyết liệt hơn

Thời gian qua, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là thép nhập khẩu giá rẻ, sức ép từ nguồn cung dư thừa và không ít vụ kiện phòng vệ thương mại khiến lượng thép xuất khẩu trong nước giảm mạnh. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về vấn đề này.

12/10/2015 09:34

Thời gian qua, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là thép nhập khẩu giá rẻ, sức ép từ nguồn cung dư thừa và không ít vụ kiện phòng vệ thương mại khiến lượng thép xuất khẩu trong nước giảm mạnh. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về vấn đề này.

Là người song hành với ngành thép, xin ông cho biết vài năm trở lại đây ngành thép trong nước đã phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá nào?

Kể từ tháng 6/2011 đến nay, các sản phẩm thép Việt Nam đã bị khởi kiện 14 lần về chống bán phá giá, trong đó có 1 vụ về lẩn tránh chống bán phá giá; 3 vụ kiện chống trợ cấp và 7 vụ áp dụng biện pháp tự vệ…

Một số nước hay khởi kiện sản phẩm thép của Việt Nam trong khối ASEAN là: Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Số nước còn lại là Mỹ, Canada, Úc, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU28. Các sản phẩm bị kiện gồm: mắc áo, đinh, lưới, ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu.

Các vụ kiện chống bán phá giá gây ảnh hưởng như thế nào đến việc sản xuất - kinh doanh của ngành thép trong nước thưa ông?

Một sản phẩm thép xuất khẩu khi đã bị khởi xướng điều tra các “bị đơn” sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, như: Phải tích cực phối hợp, tạo điều thuận lợi cho phía cơ quan điều tra, nếu không sẽ bị áp thuế ở mức cao; Tiêu tốn nguồn nhân tài, vật lực vào việc trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra; nếu đơn vị không có hệ thống lưu trữ, tổng hợp số liệu thì sẽ rất phức tạp.

Khi sản phẩm xuất khẩu vào một nước nào đó bị áp thuế “Chống bán phá giá là coi như cánh cửa xuất khẩu sản phẩm vào nước đó đã bị khép lại.

Ví dụ, Indonesia áp thuế lên sản phẩm bị điều tra là thép cuộn cán nguội CRC. Công ty gửi đơn khởi kiện là PT Krakatau Steel. Mức thuế hiện tại sau lần rà soát giữa kỳ đối với doanh nghiệp Việt Nam là từ 12,3% - 27,8% giá xuất khẩu.

Hoặc, trong vụ kiện tự vệ thương mại với sản phẩm tôn lạnh có khổ rộng trên 600mm nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Khi nước này áp dụng mức thuế năm 2014 là 430USD/tấn, tương đương 50% giá xuất khẩu; năm 2015: 371USD/tấn, bằng 46% giá xuất khẩu là đã triệt tiêu khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôn lạnh Việt Nam nói chung và của Tập đoàn Hoa Sen nói riêng tại thị trường Indonesia.

Chi phí cụ thể cho mỗi vụ kiện khá tốn kém, vì phải thuê luật sư; đi lại tham vấn với nước khởi kiện, bên cạnh đó, nhịp độ sản xuất cũng bị rối loạn với những tổn thất không lường trước được.

Từ một vụ kiện với một sản phẩm, nếu chúng ta xử lý không tốt có thể dẫn đến những vụ kiện khác từ những nước khác với các sản phẩm khác.

Để đối phó với các vụ kiện, đảm bảo sản xuất trong nước, theo ông cần có những giải pháp nào?

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các nước đều “đắp đập be bờ”, xây dựng nhiều rào cản nhằm hạn chế việc nhập khẩu, tránh tổn thương tới sản xuất trong nước. Trong khi WTO không khuyến khích việc dựng các rào cản thương mại, vì áp dụng sẽ gây cản trở giao thương giữa các nước.

Theo tôi, Việt Nam cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi hàng nhập khẩu gây tổn thương, hoặc đe dọa gây tổn thương tới sản xuất nội địa, đặc biệt đối với những sản phẩm “cung đã vượt cầu” như: thép xây dựng; ống thép, các sản phẩm thép dẹt; tôn mạ, sơn phủ mầu. Nếu chúng ta không áp dụng các rào cản kỹ thuật, dòng chảy sản phẩm thép xuất khẩu từ các nước sẽ dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam.

Hiện tại, các doanh nghiệp thép Việt Nam đang phối hợp cùng VSA và Cục Quản lý Canh tranh thiết lập hồ sơ cần thiết để khởi xướng điều tra chống bán phá giá và tự vệ Thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ một số nước trong khu vực. Ở góc độ Hiệp hội ngành nghề, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ quan điểm trên.

Xin cảm ơn ông!