Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Nhất quán tư tưởng “Báo chí cũng là một ngành quan trọng của văn hóa”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của báo chí và yêu cầu báo chí phải thực hiện “Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc”(2) và phải tích cực đấu tranh với thói hư, tật xấu trong xã hội, nhất là tham ô, lãng phí. Đó là kim chỉ nam trong phát huy vai trò báo chí cách mạng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

25/06/2019 16:26

Nhất quán tư tưởng “Báo chí cũng là một ngành quan trọng của văn hóa”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của báo chí và yêu cầu báo chí phải thực hiện “Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc”(2) và phải tích cực đấu tranh với thói hư, tật xấu trong xã hội, nhất là tham ô, lãng phí. Đó là kim chỉ nam trong phát huy vai trò báo chí cách mạng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

1. Những luận điểm đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và phát huy báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo. Theo Người, báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(3). Người chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”(4).
Về vai trò của báo chí và cán bộ làm báo trong phòng, chống tham nhũng, trong Thư gửi các đại biểu Hội nghị cán bộ chính quyền toàn quốc lần thứ Năm, tháng 3-1952, Người yêu cầu: Các đại biểu về địa phương: Tổ chức những Ban huấn luyện ít ngày, làm cán bộ từ khu đến xã thấm thuần chính sách sản xuất và tiết kiệm (và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu), tức là thật sự tự phê bình và phê bình… Các báo chí phải theo dõi và tuyên truyền”(5).
Tiếp tục khẳng định vai trò đó của báo chí, trong bài Nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III ngày 6-5-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Đại hội này, chưa nêu rõ vai trò quan trọng của những cán bộ làm báo và cán bộ nghệ thuật trong việc phục vụ phong trào thi đua yêu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc rất cần thiết”(6). Như vậy, Người luôn luôn khẳng định vai trò và và đặt ra yêu cầu phải phát huy vai trò báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để phát huy vai trò đó, trước tiên, Người yêu cầu bản thân mỗi tờ báo phải tổ chức hợp lý để tiết kiệm, chống lãng phí tiền của của nhà nước, nhân dân mà hiệu quả lại không thiết thực; vì vậy, trong bài Nói chuyện tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Người văn dặn: “Báo chí cũng phải hợp lý hoá. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hoá lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”(7).
Để đấu tranh có hiệu quả với những thói hư, tật xấu, nhất là với những hành vi tham nhũng, một mặt, Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”(8).
Mặt khác, Người đề nghị báo có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh; cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt, trong đó có những hành vi tham ô, lãng phí của những người có chức có quyền. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”(9).
Tư duy nhất quán của Người là: Coi người hoạt động báo chí là một là chiến sĩ cách mạng, vì “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”(10). Đối với người làm báo cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương tiện chiến đấu của họ là “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(11). Hồ Chí Minh đòi hỏi những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình trong sự nghiệp cách mạng; đối với những nhà báo và cơ quan báo chí chống tiêu cực phải thực hiện cho kỳ được phương châm “dĩ công vi thượng”.
2. Phát huy vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò, trách nhiệm đặc biệt. Báo chí được đánh giá là một trong những lực lượng đi đầu và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng được hiểu là việc các cơ quan báo chí, người làm báo thông qua các tác phẩm báo chí, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình triển khai các hoạt động, cách thức, biện pháp góp phần phòng ngừa, giám sát, phát hiện tham nhũng, thông tin về việc xử lý đối với hành vi tham nhũng và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra theo quy định của pháp luật.
Thấu triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hiện chức năng và vai trò của mình, thời gian qua báo chí đã trở thành một trong những lực lượng chống tham nhũng hiệu quả. Hoạt động đưa tin bài về tham nhũng của báo chí trong thời gian qua diễn ra khá mạnh và có tầm bao quát rộng. Báo chí đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống tham nhũng với tần suất và dung lượng thông tin lớn, hình thức đa dạng, bao gồm: chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính; tọa đàm trực tuyến về pháp luật phòng, chống tham nhũng, các diễn đàn hỗ trợ nhân dân trong phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng… Tuy nhiên, trên thực tế mức độ tham gia phòng, chống tham nhũng của các cơ quan báo chí và các nhà báo khác nhau. Có những tờ báo rất tích cực, cũng có những tờ báo đăng bài chiếu lệ. Có những nhà báo không quản khó khăn, gian khổ bám sát thực tế vạch trần, phanh phui tham nhũng, vẫn còn những nhà báo dùng chính phương tiện đấu tranh chống tham nhũng để phục vụ mưu lợi cá nhân...
Để phát huy vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau: Tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung đổi mới cơ chế tạo động lực thúc đẩy báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, quản lý của các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất của người làm báo để phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng và dứt khoát không được xa vào xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa, xa vào nguy cơ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giải quyết hài hòa các lợi ích gắn với tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, hiện đại hóa báo chí để phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.
--------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr.141
(2) (7) Sđd, tập 6, tr.102; tr.363
(3) Sđd, tập 12, tr.171
(4)(10) tập 12, tr.166; tr.166
(5) (8) Sđd, tập 7, tr.374; tr.405
(6) (9) (11) Sđd, tập 13, tr.391-392; tr.464; tr.466