Trong quý III, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành 10 kết luận thanh tra

Trong quý III, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành 10 kết luận thanh tra, trong đó có những đơn vị lớn như: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam…

17/07/2014 11:08

Trong quý III, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành 10 kết luận thanh tra, trong đó có những đơn vị lớn như: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam…

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Họp báo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.

Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Trần Đức Lượng, Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp.

Thanh tra gần 3.400 cuộc, phát hiện vi phạm hơn 9,8 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2013) và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 4,8%) tại 391.108 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3 ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035,3 tỷ đồng, 673,1 ha đất; đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể, 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.557/22.535 (đạt 78%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 56,2 tỷ đồng, 81,3 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.233 người, kiến nghị xử lý trách nhiệm 243người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 người.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, qua thanh tra phát hiện 05 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 2.327 triệu đồng; đã thu 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 01 vụ, 05 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 đối tượng.

Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Trần Đức Lượng, Ngô Văn Khánh
chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: TH).

Lý giải cho việc phát hiện vi phạm nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra còn ít, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Theo Điều 2 Luật Thanh tra, mục đích của thanh tra có nhiều nội dung, song hàng đầu là phát hiện sơ hở về cơ chế, chính sách, sau đó mới đến phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm, giúp đỡ cơ quan được thanh tra sửa chữa…Trong khi đó, việc chuyển cơ quan điều tra phải làm rõ dấu hiệu phạm tội lại không đơn giản chút nào, một phần chủ quan do năng lực điều tra của thanh tra viên không như điều tra viên.

Chia sẻ về về nhiệm vụ trong quý III, Phó Tổng thanh tra Ngô Văn Khánh nêu rõ: Toàn ngành sẽ tiếp tục thanh tra chuyên đề diện rộng, sẽ ban hành 10 kết luận thanh tra, trong đó có những đơn vị lớn như: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam…

Ông Ngô Văn Khánh cho biết: Đây hoàn toàn là các cuộc thanh tra nằm trong kế hoạch thanh tra . Đối với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, sau khi có kế hoạch thanh tra mới có các câu chuyện xung quanh Tổng công ty này được báo chí đề cập.

Sẽ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân và giải quyết KNTC

Tại cuộc họp báo, kết luận về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được Thanh tra Chính phủ công bố gần đây đã nhận được sự quan tâm của báo chí.

Theo ông Hoàng Đức Vinh - Cục phó Cục tham nhũng, Trưởng đoàn thanh tra VCCI: Đây là cuộc thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh tra không gặp khó khăn, áp lực gì. Lý giải cho việc chậm ban hành kết luận, ông Vinh cho biết: Cuối tháng 7, Thanh tra Chính phủ mới có quyết định thanh tra, giữa tháng 9 kết thúc thanh tra bảo đảm đúng tiến độ, tháng 11 đã có dự thảo báo cáo kết luận gửi Thủ tướng Chính phủ, song do phải chờ xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan...

Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng lại cho rằng: Có khó khăn trong việc thực hiện thanh tra VCCI, vì đây là lần đầu tiên, Thanh tra Chính phủ thanh tra một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính, rất khác với cơ quan khác đã thanh tra.

Trước băn khoăn của báo chí về việc kết luận thanh tra không xem xét trách nhiệm người đứng đầu của VCCI, ông Trần Đức Lượng cho biết, kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra trách nhiệm người đứng đầu là có, nhưng chỉ kiến nghị kiểm điểm, chưa đến mức phải xem xét trách nhiệm xử lý kỷ luật.

Ngày 15/7, Ban Tiếp công dân Trung ương ra đời, đánh dấu sự đổi mới trong công tác tiếp dân và giải quyết KNTC.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết: Tới đây, Ban Tiếp công dân sẽ đề xuất với Tổng thanh tra Chính phủ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, trong tiếp công dân và giải quyết KNTC.

Ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh: Luật Tiếp công dân ra đời có chế tài đặc biệt, trong đó, việc kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu sẽ xác định rõ ràng. Nếu như kết luận thanh tra có liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo địa phương, thủ trưởng cơ quan, Ban Tiếp công dân sẽ đề xuất Thanh tra công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, xem xét trách nhiệm trong việc để khiếu kiện kéo dài vượt cấp lên cơ quan Trung ương. “Không chỉ xử lý về mặt hành chính mà còn xem xét trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, khen thưởng”, ông Nguyễn Hồng Điệp nói. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu giải quyết KNTC trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, chắc chắn công tác này sẽ có chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp... ./.