Trong đẩy, ngoài kéo và yêu cầu “đồng tốc” với Thủ tướng
13/09/2014 11:31
(Chinhphu.vn) - Dường như Chính phủ đã tìm ra được “chìa khóa” của cải cách và từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, công chức phải “đồng tốc” với Chính phủ, với Thủ tướng trong quá trình cải cách đó.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm của ông trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, khi ông vừa nhận được thông tin về buổi làm việc ngày 10/9 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đã yêu cầu rút ngắn các quá trình làm thủ tục cấp phép. |
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã nói nhiều về tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, khi đề cập đến thực trạng cùng một luật lệ, cùng một quy định về đăng ký kinh doanh, nhưng có nơi chậm, có nơi chỉ mất hơn 1 ngày để giải quyết cho doanh nghiệp.
“Nếu như tất cả đều với tinh thần phục vụ, chỉ khung khổ này thôi, không cần phải sửa thì cũng giảm bớt được bao nhiêu công sức của xã hội”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu thay ngay những cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Manh nha làn sóng cải cách thứ hai
Bày tỏ ấn tượng với những chỉ đạo, những hành động quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc điểm lại những dấu mốc, chỉ tính từ đầu năm 2014, cho thấy sự “manh nha của một làn sóng cải cách thứ hai”, một giai đoạn mới trong cách nghĩ, cách làm của nhà hoạch định chính sách.
Đó là bài viết - thường được nhắc đến với tên gọi Thông điệp đầu năm - của Thủ tướng, mà khi đó, trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nhiều vấn đề đổi mới quan trọng nhất được đề cập một cách rõ ràng, mạch lạc trong bài viết. Như vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia, về vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, về một nền hành chính phục vụ…
Thực thi những quan điểm trong Thông điệp này, ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với cách tiếp cận mới là dựa trên những chuẩn mực quốc tế để đưa ra giải pháp cụ thể và những mục tiêu rõ ràng, định lượng được.
Tiếp theo, tại cuộc gặp gỡ ngày 28/4/2014 mà báo chí đánh giá là mang tính “lịch sử” giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đã đưa ra lời xin lỗi khi ông nghe được lời phàn nàn “doanh nghiệp nộp thuế mà khó khăn quá”, vì tình hình “quyết tâm ở trên này nghe hăng hái thế” mà “càng xuống dưới càng giảm”.
Đó là tinh thần “cởi trói” mạnh mẽ cho sản xuất kinh doanh được thể hiện trong các dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được trình ra Quốc hội, với quan điểm doanh nghiệp “được tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm”…
Và đó là những cuộc làm việc liên tiếp với từng Bộ ngành để đốc thúc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ đến cùng những vướng mắc trong mọi quy định của pháp luật, từ thông tư cho tới nghị định và cả các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thậm chí, Thủ tướng đã “vượt cấp xuống tận cấp tổng cục” để làm việc về thuế, hải quan và ông Lộc cho rằng hành động này là chưa có tiền lệ.
Tựu trung lại, theo Chủ tịch VCCI, dường như Chính phủ, Thủ tướng đã “tìm ra chìa khóa” để cải cách và chính những hành động của Thủ tướng là yếu tố quan trong nhất củng cố niềm tin của doanh nghiệp trong năm 2014.
Trong đẩy, ngoài kéo
Khác với cuộc cải cách trước đây được bắt đầu “từ dưới lên”, tức là từ những cuộc “xé rào” ở địa phương, ở cấp dưới, những giải pháp cải cách mà Chính phủ đang triển khai là “từ trên xuống”, từ ý chí của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tất nhiên trên cơ sở nhìn nhận rõ tình hình thực tiễn.
“Ở thời điểm cuối năm 2013, rất nhiều doanh nghiệp đã nghĩ tới “hậu sự” cho mình, nhưng từ đầu năm 2014 tới nay, tình hình đã rất khác. Dĩ nhiên còn nhiều vấn đề khác như nợ xấu… song những thông điệp và hành động của Thủ tướng chính là “cái neo” của niềm tin doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
“Nếu như cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân trong nước, thể hiện qua các công cụ như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính, là sức đẩy cho năng lực cạnh tranh quốc gia, thì các chuẩn của khu vực ASEAN 6, được Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra như mục tiêu phải đạt được, chính là sức kéo”, ông Lộc phân tích về “chìa khóa” cải cách.
Điều đáng quan tâm, theo vị Chủ tịch VCCI, là quy luật “tốc độ của hệ thống được quyết định ở khâu yếu nhất”. Từng “lăn lộn” với PCI, ông Vũ Tiến Lộc nhắc lại bài học của Đà Nẵng.
Khi Đà Nẵng bị tụt 5 bậc trên bảng xếp hạng, một lãnh đạo của TP nói thẳng rằng người chấm điểm vẫn còn nương tay; khi TP này trở lại số 1, một vị khác cho rằng vị trí này cũng chỉ là “phong độ” nhất thời, chưa phải là “đẳng cấp”. Nhưng điều quan trọng hơn, mỗi lãnh đạo cho tới từng cán bộ, công chức của Đà Nẵng đều “như một” về tinh thần cải cách đó.
Nhìn rộng ra, để tạo được làn sóng cải cách mới, khi Chính phủ và Thủ tướng đã tăng tốc thì từ các bộ, ngành đến các địa phương và từng cán bộ, công chức cũng phải “đồng tốc” với Chính phủ và Thủ tướng. Yêu cầu đó của Thủ tướng cũng chính là mong muốn thiết tha của cộng đồng doanh nghiệp.
Góp phần vào quá trình này, VCCI cam kết sẽ mỗi tháng một lần báo cáo Thủ tướng, 3 tháng một lần báo cáo Chính phủ và 6 tháng một lần kiến nghị với Quốc hội về ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, về các vướng mắc của môi trường kinh doanh, ông Lộc cho biết./.