"Trận đánh đầu nhất định phải thắng" của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

18/12/2014 20:35

(ĐCSVN)Cách đây 70 năm, ngay sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời (22/12/1944), thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, bộ đội đã tấn công đồn Phai Khắt. Chỉ với 34 cán bộ chiến sỹ được trang bị vũ khí thô sơ, nhưng với lòng quyết tâm, tinh thần anh dũng, kiên cường nên đã tấn công bắt gọn quân địch, tiêu diệt tên quan Tây. Đây là trận đánh đầu tiên và giành thắng lợi ròn rã trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay trong ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) dưới cánh rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc chiến khu Cao Bằng – Bắc Kạn, Bác Hồ đã chỉ thị "Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội".

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Chi bộ Đảng và Ban Chỉ huy của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã họp bàn kế hoạch tác chiến, và quyết định sẽ chiến đấu ngay sau khi thành lập đội. Mục tiêu được lựa chọn là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần. Hai đồn này nằm không cách xa nhau là mấy, thuận tiện cho bộ đội hành quân tác chiến. Đồn Phai Khắt được lựa chọn tấn công trước.

Di tích đồn Phai Khắt (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)
(Nguồn ảnh: qdnd.vn)

Các đồng chí Hồng Quân, Đức Long được phái đi trinh sát. Thực ra, các nơi địch đóng đồn đều là quê của nhiều đồng chí trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Địch ở Phai Khắt đóng chính ngay tại nhà đồng chí Lạc. Anh em có thể vẽ lấy sơ đồ đồn địch, rồi phái một số đồng chí đến nơi đối chiếu lại là biết rõ địa hình. Việc khó khăn hơn là làm sao đột nhập đồn địch, điều tra cách bố trí, sắp đặt bên trong, và mọi quy luật hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của chúng. Người trinh sát đầu tiên của đội lọt vào đồn là em bé Hồng.

Hồng mới mười hai tuổi. Ngày ngày, em phải mang bánh và rượu vào cho tên quan Tây trong đồn. Em đã lân la trò chuyện với lính địch, xem kỹ kho lương, kho đạn, nơi ăn nơi ngủ, nơi canh gác, giờ giấc sinh hoạt, tập họp của địch. Đêm đêm, em luồn ra khỏi lũy tre làng đến báo cáo với đội.

Căn cứ vào những quy luật hoạt động của địch tại vùng này, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bàn nhau thấy có thể tìm cách cải trang làm lính dõng để đột nhập đồn địch.

Các đồng chí trung kiên dưới làng đi tìm gặp những hội viên là lính dõng hoặc trước kia đã đi lính dõng, mượn ba chục bộ quần áo. Cũng phải tìm một số hội viên cựu binh sĩ, mượn thêm mấy bộ quần áo ka-ki để cải trang thành lính tập vì những đoàn lính dõng đi tuần bao giờ cũng có lính tập đi kèm. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số nón lính. Các chị ở dưới làng lên, mang theo vải chàm và kim chỉ để khâu áo nón. Nón của dõng bọc vải chàm, có viền vành trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp. Khi qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ "giấy đi tuần" giả. Một đồng chí đội viên khéo tay đã cắt củ khoai, trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký. Hồi đó, những giấy giới thiệu đánh bằng máy chữ là loại giấy có giá trị.

Chiều ngày 24 tháng 12 năm 1944, hai ngày sau khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bộ đội được lệnh lên đường đi chiến đấu tấn công đồn Phai Khắt.

Sau khi hiểu rõ ý nghĩa quan trọng "Trận đầu nhất định phải thắng" và nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch tác chiến, tất cả các tiểu đội đều xin nhận nhiệm vụ xung phong đầu tiên vào đồn địch.

Nắng chiều vàng rực trên các ngọn núi. Một lá cờ sao tươi thắm dẫn đầu hàng quân. Bộ đội trang bị tề chỉnh đi hàng một theo đội hình chiến đấu trên con đường quanh co khúc khuỷu ở sườn núi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đi sau tiểu độiđầu tiên. Mặc dầu chỉ có một trung đội, nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ có bộ đội tập trung đông như thế này, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhìn trước, ngó sau, thấy đoàn quân dài tít tắp.

Trước khi xuống cánh đồng, cả trung đội tạt vào một khu rừng thay đổi quần áo, cải trang thành một đội lính dõng. Trời tối, bộ đội tiến xuống cánh đồng Kim Mã. Cơm nước xong, mọi người ngả lưng ngủ một giấc ngay trên bờ ruộng mới gặt còn thơm mùi lúa. Nửa đêm, cả trung đội trở dậy, lặng lẽ kéo lên ẩn náu trên một quả núi ở sau lưng đồn địch, cách đồn khoảng một cây số.

Đêm ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp và toàn thể đội viên đều nằm thao thức khó ngủ. Kế hoạch đã chuẩn bị chu đáo, nhưng vẫn phải tính đến những chuyện bất ngờ có thể xảy ra.

Làng Phai Khắt thuộc xã Tam Lộng có khoảng mươi nóc nhà, nằm bên cạnh một con suối, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là những núi đồi lúp xúp. Đây là một làng "hoàn toàn", tức là một làng mà tất cả nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Từ ngày địch khủng bố đến nay, không một ai bị địch lung lạc, lôi kéo. Đồng bào vẫn giữ liên lạc và tích cực tiếp tế lương thực cho các cán bộ hoạt động bí mật. Địch đã chiếm nhà đồng chí Lạc để đóng quân. Bọn địch đóng ở trong làng nên từ ngoài vào đồn, phải qua hai lần rào. Vòng ngoài, địch bắt nhân dân thay phiên canh gác. Vòng trong, là hàng rào của chính đồn địch, do binh lính canh gác. Địch có tại đây gần hai chục tên đặt dưới quyền chỉ huy của một tên đồn trưởng người Pháp.

Cả trung đội đã nắm được kỹ lưỡng cách bố trí trong đồn, kho súng, buồng tên chỉ huy, nhà ngủ, nhà ăn và các hoạt động hàng ngày của địch. Em bé Hồng cho biết, trong khi ăn bọn địch gác cả súng vào giá.

Bộ đội đã đặt kế hoạch, cải trang thành một toán lính dõng ở châu đi tuần về để đột nhập đồn địch; khi lọt vào đồn sẽ chiếm luôn kho súng, bắt tất cả bọn địch đầu hàng, nếu chúng chống cự sẽ dùng vũ khí tiêu diệt. Thời cơ hoạt động tốt nhất là vào khoảng 5 giờ chiều, khi địch đang ăn cơm. Lúc đó trời còn sáng, quân ta cải trang đi ban ngày, bọn địch ít nghi hoặc. Và khi giải quyết xong đồn, trời đã tối, nếu bọn Việt gian có phi báo lên Nguyên Bình, cũng phải sáng hôm sau địch mới điều binh lính đến kịp, chúng ta có hẳn một đêm để thu dọn chiến trường, chuẩn bị cách đối phó cho đồng bào, và rút xa hẳn nơi đã hoạt động.

Suốt ngày hôm sau, bộ đội vẫn ở trên quả núi nhỏ sau làng Phai Khắt. Một số Giải phóng quân mặc giả dân, đứng canh gác các ngả đường. Các đồng chí tự vệ địa phương dàn ra thành một mạng lưới quanh vị trí trú quân. Một số trường hợp có thể xảy ra...Nếu địch đem quân sục lên núi, cả trung đội phải bí mật rút lui, không để lộ vết tích. Nếu gặp dân làng lên núi kiếm củi, đẵn gỗ; các đồng chí tự vệ địa phương có nhiệm vụ đưa đồng bào đi sang một hướng khác.

Sáng sớm, các chị dưới làng đã đem cơm nước lên. Buổi trưa, đúng như đã dự kiến, một vài người dân định lên núi lấy củi. Các đồng chí tự vệ đã khéo léo hướng cho họ đi sang một quả núi khác.

Mấy đồng chí trinh sát luôn luôn báo cáo tình hình địch. Em Hồng cho biết,thằng Tây đồn đã đi ngựa lên châu. Các đội viên tiếc rẻ vì đã hụt mất một đối tượng.

Buổi chiều, mới hơn hai giờ các chị dưới làng đã đưa cơm lên. Sau bữa cơm, đảng viên, cán bộ chia nhau đi gặp chiến sĩ, dặn dò lại tỉ mỉ nhiệm vụ và động viên quyết tâm hoàn thành tốt đẹp cuộc chiến đấu đầu tiên của đội.

Năm giờ chiều hôm ấy, nhân dân làng Phai Khắt bỗng nhiên thấy một toán lính dõng, đầu đội nón bọc vải xanh, vành trắng, mình mặc quần áo chàm, chân cuốn xà cạp, đi đầu là một viên đội "sếp" và hai lính khố xanh, từ phía châu Nguyên Bình tiến vào làng. Đến cổng làng, một người chìa giấy cho tên gác xem, rồi chia thành ba toán đàng hoàng đi thẳng vào đồn của quan Tây.

Anh chị em hội viên trong xã ngờ rằng địch tăng quân và nay mai lại có khủng bố lớn. Có những người đã cùng nhau bàn tính cách để báo tin cho các đồng chí bí mật.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn, mặc bộ ka-ki lính tập, xách súng tiểu liên đi đầu, đến trước mặt tên lính gác cổng đồn địch, hỏi bằng một giọng hách dịch:

- Quan Tây có nhà không? Chúng tao đi tuần.

Anh rút mảnh giấy, chìa trước mặt tên gác cho hắn xem cái dấu đỏ chói, rồi gạt luôn hắn sang bên, đi thẳng vào đồn. Cả tiểu đội 1 đi đầu bám sát sau anh. Đồng chí Thu Sơn dẫn tiểu đội tiến thẳng vào kho địch để súng. Tiểu đội 2 cũng đi liền sau đó, vừa lọt vào đồn lập tức bao vây lấy chung quanh nhà binh lính ở.

Binh lính địch, đứa ăn cơm trong nhà, đứa thu dọn quần áo phơi ngoài sân.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn hô dõng dạc bằng tiếng Pháp:

- Rátsămmăng*! (Tiếng Pháp, có nghĩa là “Tập hợp!”)

Anh ra lệnh cho binh lính trong đồn tập họp để đón quan ở châu về.

Mười bảy tên lính và một tên cai tập họp lại giữa sân. Đồng chí Thu Sơn lập tức chĩa ngang khẩu tiểu liên, hô lớn:

- Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!

Tất cả các nòng súng đều chĩa vào quân địch.

Bị hoàn toàn bất ngờ, không kịp đối phó, tất cả binh lính địch trong đồn giơ tay đầu hàng. Giữa lúc đó, một đồng chí trong tổ canh gác cách đồn ba cây số, trên đường đi Nguyên Bình, phóng ngựa vào tới nơi báo cáo, tên đồn trưởng người Pháp đang đi ngựa trở về, đi theo hắn có mấy tên lính không mang súng.

Mọi người nhận thấy phải xử trí nhanh và bắt nốt tên Tây đồn này. Một bộ phận nhận lệnh đưa binh lính bị bắt về phía sau đồn và buộc chúng phải yên lặng. Anh em cất dọn những vũ khí đạn dược, quân dụng chiến lợi phẩm để ngổn ngang trên sân. Các tổ cảnh giới được lệnh ẩn nấp kín đáo. Một tổ mai phục ngay ở dưới mái hiên, đợi khi tên đồn trưởng vào tận nơi, sẽ chĩa súng buộc hắn đầu hàng, quyết định bắt sống, trừ trường hợp địch chống cự thì mới nổ súng. Các tổ bố trí ở ngoài đồn được lệnh, nếu tên Tây đồn nhận ra ta, bỏ chạy, thì lập tức đuổi bắn.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nằm cùng các đồng chí Hoàng Sâm, Thu Sơn và Luận ở dưới mái hiên và nói nhỏ:

- Khi nó vào thì tôi sẽ hô "giơ tay lên". Nếu nó giơ tay, các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh thì mới nổ súng.

Tên đồn trưởng người Pháp ngồi trên mình con ngựa hồng cao lớn, đủng đỉnh đi vào đồn như ngày thường. Hắn định xuống ngựa thì nghe tiếng thét:

- Giơ tay lên!

Bỗng một loạt đạn nổ. Cả tên đồn trưởng và con ngựa đều trúng đạn, lăn xuống sân. Đồng chí Luận đã nổ súng. Đó là điều mà mọi người chưa dự kiến được hết, là các đồng chí ta sẽ khó nén được căm thù lúc nhìn thấy mặt quân địch.

Đồng bào ở chung quanh khi nghe thấy tiếng súng mới biết có chuyện đã xảy ra trong đồn, bảo nhau chạy tới, nhận ra đồng chí Võ Nguyên Giáp và trung đội, vừa ngạc nhiên vừa hết sức mừng rỡ. Nhiều người reo lên, nắm lấy tay các chiến sĩ. Bà con nhìn xác thằng Tây và con ngựa nằm giữa sân tỏ ra rất hả dạ. Nhưng cũng có một số người lo lắng, địch sẽ khủng bố dân làng để trả thù.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định kể ra nếu bắt sống tên đồn trưởng, sau khi làm công tác địch vận, giải thích kỹ lưỡng, rồi tha thì có thể gây ảnh hưởng chính trị và hạn chế một phần nào phản ứng của kẻ địch. Nhưng sự việc đã xảy ra rồi, phải tìm cách giải quyết tình hình cụ thể này.

Anh em được lệnh thu dọn chiến lợi phẩm, quét sạch chiến trường - quét thực sạch không để lại một thứ gì có thể dùng được. Lợn, gà, chăn, màn, bát đĩa... thì đem phân phát hết cho đồng bào. Một mặt, cho khiêng vác thằng Tây và con ngựa đi chôn, và xoá sạch vết máu trên sân.

Cả trung đội giải thích và động viên đồng bào, đặt kế hoạch cho đồng bào khai khi đế quốc đưa lính về tra hỏi, chỉ cần nói: “Thấy có một toán lính ở trên châu về vào trong đồn, rồi thấy tất cả lính trong đồn kéo theo toán lính này đi đâu không biết". Cũng bàn thêm với đồng bào. Trong thời gian này các thanh niên nam nữ nên tạm lánh khỏi làng, đề phòng trước sự khủng bố của kẻ địch.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp và toàn Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bảo tất cả binh lính trong đồn, họ sẽ tới một địa điểm khác nghe nói chuyện, sau đó, ai muốn đi theo quân cách mạng sẽ được chấp nhận, ai muốn trở về quê quán sẽ cấp giấy cho về.

Sau khi để lại trước cửa đồn một mảnh giấy viết bằng tiếng Pháp: "Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi", toàn đội ra khỏi đồn, dong theo tù binh và mang theo chiến lợi phẩm. Tất cả các đồng chí mang súng kíp đã đổi lấy súng trường và trao súng kíp lại cho tự vệ ở các địa phương. Số chiến lợi phẩm thu được trong trận đầu này, về súng ống cũng kha khá, đủ để trang bị cho nửa trung đội. Nhưng có một điều làm cho mọi người không vui lắm, tại đồn này địch cũng chỉ có rất ít đạn. Một nhiệm vụ mới đã đặt ngay ra: Làm sao trận sau phải lấy được thật nhiều đạn.

Trận chiến đấu đã diễn ra hết sức mau lẹ, kết thúc trong vòng mươi phút. Nửa giờ sau đội đã giải quyết xong mọi công việc, kéo ra ngoài đồn địch.

Một số đồng chí đi thẳng về phía Nguyên Bình, đến một nơi khá xa làng mới đi vòng trở lại, để làm lạc hướng theo dõi của kẻ địch. Đại bộ phận kéo xuống cánh đồng Kim Mã thì trời sập tối. Tại các trạm dọc đường, các chị em hội viên trung kiên, gánh cơm nước đứng chờ rất vui mừng thấy toàn đội chiến thắng trở về. Cơm và thức ăn đã gói từng phần một. Cả trung đội chỉ dừng lại vài phút nhận phần cơm, uống hớp nước rồi tiếp tục đi ngay. Những đồng chí tự vệ trung kiên đã tổ chức một màng lưới trên dọc đường chuyển quân ngăn chặn tất cả những người không có nhiệm vụ không được đi vào con đường này, để phong tỏa tin tức, giữ bí mật hành tung của bộ đội.

Nửa đêm, đồng chí Võ Nguyên Giáp và cả Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tới một quả đồi thuộc xã Cẩm Lý cách Phai Khắt khoảng 15 cây số. Cả đơn vị dừng lại đây để chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm vắn tắt cuộc chiến đấu ban chiều, nêu gương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, Ban Chỉ huy phổ biến lại kế hoạch tác chiến, nhắc nhở toàn đội quyết tâm tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu vào buổi rạng đông ngày hôm sau. Chiến thắng đầu tiên làm cho mọi người hết sức phấn khởi.

Ngoài những thứ súng đạn đã được phân phối, tất cả các chiến sĩ không ai giữ lại riêng cho mình, dù là một viên đạn, một mảnh giấy, hoặc một thứ đồ dùng nhỏ nào đã thu được trong đồn địch. Các đồng chí tự vệ ởđịa phương chuyển vận nốt những chiến lợi phẩm về nơi an toàn.

Trừ tổ cảnh giới, tất cả bộ đội được lệnh đi ngủ.

Ba giờ sáng, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng cả trung đội lại tiếp tục cuộc hành quân chiến đấu. Riêng đồng chí Trọng Khánh phải ở lại Cẩm Lý cùng hai chục tù binh. Anh sẽ chọn một số người tốt trong những người tình nguyện xin ở lại để bổ sung vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, giải thích cho một số người khác rồi cho về quê hương, và giữ lại đây một số trong vài ngày để phong tỏa tin tức, khi nào bộ đội đi thật xa mới thả cho về./.

Ban Tư liệu – Văn kiện
(Biên soạn theo Hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)