Tôn giả được đặt hàng sẵn từ Trung Quốc

Giá tôn màu Trung Quốc rẻ như rau, giảm mạnh từ cuối năm ngoái và về đến tại xưởng chỉ giao động 7.000 - 8.000 đồng/kg.

23/11/2015 13:58

Giá tôn màu Trung Quốc rẻ như rau, giảm mạnh từ cuối năm ngoái và về đến tại xưởng chỉ giao động 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Hiện nay thị trường các tỉnh phía Bắc, nhiều doanh nghiệp mua bán tôn cho biết có hiện tượng tôn Trung Quốc kém chất lượng trà trộn bán tràn lan.

Tôn Trung Quốc rẻ như rau

Đại diện một công ty cơ khí có nhà máy tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) cho biết phần lớn tôn màu bán ở thị trường miền Bắc đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vì giá tôn từ Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với các loại tôn của Việt Nam và nhập từ Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản…

Giá tôn màu Trung Quốc rẻ như rau, giảm mạnh từ cuối năm ngoái và hiện giá về đến tại xưởng chỉ giao động 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều xưởng cơ khí chuyên thi công mái tôn cho các công trình nhà ở, nhà xưởng có địa chỉ trên phố Ngô Quyền (Hà Đông, Hà Nội), tôn có nhiều loại với nhiều chất liệu và chất lượng khác nhau.

Tuy nhiên, có chủ cửa hàng mạnh dạn khẳng định trên thị trường chỉ có tôn sản xuất ở Việt Nam mà thôi. Chất lượng sản phẩm khác nhau là do tôn của nhà máy mang thương hiệu có tiếng với tôn của xưởng sản xuất nhỏ lẻ.

Khi hỏi một số xưởng cơ khí khác ở Đông Anh, Gia Lâm… trên địa bàn Hà Nội, các chủ cơ sở này đều cho biết không có chuyện thi công bằng tôn Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá thi công mà các xưởng đưa ra chênh nhau tới 15%, thậm chí 30% như 1m2 tôn đã gồm xà gồ, vi kèo, công lắp đặt… có giá 280.000 - 390.000 đồng.

Vậy tôn nhập từ Trung Quốc đã trộn lẫn ở đâu?

“Nói không có tôn của Trung Quốc là vừa đúng và vừa sai. Đúng là vì không thể tìm thấy tôn có gắn mác made in China. Còn sai là vì hầu hết tôn Trung Quốc được nhập về đã gian lận, gắn nhãn thương hiệu tôn của một số doanh nghiệp sản xuất ở trong nước.

Chúng tôi đã hơn 20 năm làm trong ngành cơ khí, thi công nhiều nhà xưởng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chúng tôi xin khẳng định là tôn xuất xứ Trung Quốc đang tung hoành thị trường ở nhiều địa phương của miền Bắc, miền Trung.

Thực tế này không phải mới xuất hiện mà đã diễn ra khoảng hai năm nay rồi và mức độ ngày càng trầm trọng.

Và tôn Trung Quốc chỉ không được sử dụng khi chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công lắp đặt tôn xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc… nhằm đảm bảo chất lượng công trình” - vị lãnh đạo doanh nghiệp cơ khí nói trên nhận định.

Hầu hết tôn giả được đặt hàng sẵn từ Trung Quốc

Theo một giám đốc sản xuất tôn thuộc loại lớn phía Nam, không phải đến bây giờ tôn giả các thương hiệu nổi tiếng của VN nhưng được sản xuất ở Trung Quốc mới hoành hành thị trường, đặc biệt khu vực các tỉnh phía Bắc, Tây nguyên và một số tỉnh miền Tây, miền Trung.

Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế Trung Quốc ngày một xấu đi, việc quốc gia này tăng cường “xả” hàng ở khắp các quốc gia khác, trong đó có VN, dưới nhiều hình thức khác nhau thì các doanh nghiệp mới bị điêu đứng nặng nề hơn.

"Thường tôn nào bán chạy nhất trên thị trường thì lại bị làm giả nhiều nhất. Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả đôi khi chỉ âm thầm đi dẹp loạn vì không muốn uy tín thương hiệu của mình bị ảnh hưởng.

Nhưng với tốc độ tôn giả xuất hiện dày đặc như hiện nay, các doanh nghiệp chỉ biết than trời vì các loại tôn có nguồn gốc từ Trung Quốc này được nhập khẩu vào VN bằng nhiều con đường khác nhau, rất khó để kiểm soát”, vị giám đốc này nói.

Theo tiết lộ của vị giám đốc này, phần lớn tôn kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường được các cơ sở cán tôn mua lại từ các công ty thương mại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tùy theo loại tôn là mạ nhôm (kẽm) hoặc sơn phủ màu, các loại tôn này sẽ được cán sóng theo kích thước (chiều dài) của người mua yêu cầu. Với tôn mạ kẽm, nếu tôn sản xuất trong nước có độ dày thông thường 0,4 mm, độ kẽm phủ trên tôn từ 80-100mg/m2 thì tôn kém chất lượng có độ mạ kẽm chỉ 30-40 mg/m2, độ dày còn dưới 0,3 mm, tương ứng với hao hụt độ dày 5-10% so với tôn đạt chuẩn.

Riêng với tôn phủ màu, nếu các doanh nghiệp sản xuất trong nước phủ độ dày của lớp sơn bình quân 15 micron thì tôn kém chất lượng luôn ở mức dưới 10 micron, nên độ bám màu vào tôn rất dễ bong tróc sau khi dùng thời gian rất ngắn.

“Ưu điểm nhất của loại tôn kém chất lượng này chỉ nằm ở khâu giá bán. Do sử dụng các loại nguyên liệu thấp cấp nên giá thành tôn này đang rẻ hơn các loại tôn có chất lượng 20-30%. Nhưng cũng tùy khu vực, có nơi giá bán sẽ rẻ đến 40%”, giám đốc doanh nghiệp sản xuất tôn T thông tin.

Tuy nhiên, đáng lo hơn nữa là nguy cơ một số nhà sản xuất tôn có quy mô nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường sẵn sàng đặt tận bên Trung Quốc “dập” luôn logo, thương hiệu của các doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường để giả mạo sản phẩm của các doanh nghiệp này hòng qua mắt người tiêu dùng.

“Dù chúng tôi chưa bắt được tận tay nhưng đã nghe có thông tin như vậy nên cũng tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại các nhà phân phối, đại lý đang bán hàng của mình. Nếu phát hiện tình trạng gian dối này, chúng tôi sẽ lập tức rút quyền phân phối, cùng các quyền lợi liên quan để giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng xấu này”, giám đốc phụ trách kinh doanh một thương hiệu tôn lớn phía Nam thừa nhận.