Tín chỉ Carbon tại thị trường Việt Nam

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về “Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định".

03/06/2024 11:13

I. Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ Carbon hay còn gọi là Carbon Credit là một loại tín chỉ có thể kinh doanh (mua/bán) và nó là giấy phép đại diện cho việc chủ sở hữu nó được phép phát thải Carbon Dioxide hoặc một khí nhà kính khác.

63177928eb0b168ed36f0680_Carbon Credit Explainer Một tín chỉ Carbon (carbon credit) tương đương với 1 tấn khí thải CO2

II. Cách thức/Quy trình để xác nhận tín chỉ Carbon như thế nào?

Tại Việt Nam, quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính đối với ngành sản xuất thép được quy định tại Thông tư số 38/2023/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2023.

Theo đó, kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Tính đầy đủ: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải KNK, các nguồn hấp thụ KNK. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn;
  • Tính nhất quán: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê KNK, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải KNK;
  • Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;
  • Tính chính xác: Tính toán kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch;
  • Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.

Đối với quy trình Thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cần tuân thủ các nguyên tắc:

  • Tính độc lập: Duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá;
  • Tính công bằng: Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.

III. Áp dụng Thị trường carbon tại Việt Nam

Hiện tại thị trường carbon ở Việt Nam là chưa có, tuy nhiên để hiểu và có thể áp dụng kịp thời thì trên thế giới đã và đang áp dụng hai loại thị trường carbon chính:

- Thị trường carbon tự nguyện: là thị trường mà trong đó các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ các-bon để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, doanh nghiệp cam kết thực hiện net-zero, tuy nhiên do nhu cầu sản xuất kinh doanh họ vẫn phải dùng một lượng nhiên liệu hóa thạch nhất định, họ sẽ mua tín chỉ các-bon trên thị trường để bù trừ cho phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch này. Như vậy, hàng hóa được giao dịch trên thị trường tự nguyện là tín chỉ carbon.

- Thị trường carbon bắt buộc: là thị trường mà trong đó các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở. Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường, ví dụ: cơ sở phát thải ít sẽ dư hạn ngạch để bán cho các cơ sở phát thải nhiều bị thiếu hạn ngạch. Tổng phát thải của thị trường sẽ không đổi. Do đó, mục đích chính của thị trường bắt buộc là để kiểm soát phát thải. Hàng hóa chính được giao dịch là hạn ngạch phát thải (nên thị trường các-bon bắt buộc được đặc trưng bởi cơ chế giao dịch hạn ngạch phát thải), có thể cho phép sử dụng một lượng nhỏ tín chỉ các-bon (thường 5-10%).

Lộ trình phát triển, triển khai thị trường carbon tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô zôn (Sau đây gọi tắt là nghị định số 06).

IV. Kết luận

Để thực hiện triển khai một cách bài bản đối với cam kết quốc tế tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều hành động và khi hành động đó tạo thành một hệ thống, các giải pháp phát triển thị trường carbon và các cơ chế phù hợp đối với tín chỉ carbon.

Hiểu biết về tín chỉ carbon và thị trường carbon sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tận dụng được các cơ hội trên thị trường carbon.

Điều này là rất quan trọng đối với các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cả quốc gia và nhân loại. (giảm 2,5 độ C vào năm 2050)

top-view-panoramic-banner-business-people-shake-hand-quaint

Hoàng Trung - VNS