Tìm "đầu tàu" nền kinh tế: Tập đoàn đi trước, Tổng Công ty lẽo đẽo "bám đuôi"

So với khối Tổng Công ty, Công ty mẹ - Công ty con, các Tập đoàn vẫn đang là những đầu tàu của nền kinh tế khi vẫn giữ vững doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách "khủng".

01/11/2016 11:00

So với khối Tổng Công ty, Công ty mẹ - Công ty con, các Tập đoàn vẫn đang là những đầu tàu của nền kinh tế khi vẫn giữ vững doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách "khủng".

Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng Công ty, tổng doanh thu năm 2015 đạt hơn 1,456.476 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm 2014. Còn Báo cáo của Công ty mẹ, tổng doanh thu đạt hơn 826.000 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2014. Nhìn vào những con số của 2 khối Tập đoàn và Tổng Công ty, khối Tập đoàn vẫn đang là những đơn vị có mức doanh thu lớn.

Điển hình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN đạt doanh thu hơn 313.400 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đạt doanh thu hơn 243.500 tỷ đồng, Viettel đạt doanh thu hơn 216.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam Vinacomin đạt hơn 77.600 tỷ đồng, Tập đoàn VNPT đạt hơn 50.500 tỷ đồng, Vinachem hơn 41.800 tỷ đồng, Mobifone hơn 33.500 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Vicem gần 24.800 tỷ đồng...

Xét theo báo cáo hợp nhất, một số Tập đoàn, Tổng Công ty có tổng doanh thu giảm tương đối mạnh so với năm 2014, giảm từ 20% trở lên, khối này chủ yếu là các Tổng Công ty như: Bến Thành giảm 67%, Tổng Công ty Đầu tư XNK Cao Bằng giảm 53%, Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ giảm 42%, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô giảm 38%, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn giảm 33%; Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà giảm 33%; Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng giảm 29%; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn giảm 29%, Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam giảm 21%; Tổng công ty Thương mại Hà Nội giảm 21%...

Ở khối Công ty mẹ, một số Công ty mẹ có mức tổng doanh thu tăng cao so với năm 2014, đạt trên 30%, như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Đông Bắc tăng 137%, Công ty mẹ - Tổng Công ty Thiết bị y tế tăng 85%, Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng 75%, Công ty mẹ - Tổng Công ty 319 tăng 74%, Công ty mẹ - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tăng 62%, Công ty mẹ - Tổng Công Đầu tư phát triển nhà Hà Nội tăng 60%,Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tăng 53%, Công ty mẹ - Tổng Công ty Becamex tăng 45%, Công ty mẹ - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tăng 34%...

Về lợi nhuận trước thuế, Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng Công ty cho thấy, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt hơn 150.300 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2014 nếu xét trong cùng số lượng Tập đoàn hiện có năm 2015. Các Tập đoàn, Tổng Công ty có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt cao trên 2.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những Tập đoàn, Tổng Công ty có quy mô lớn . Tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 12%, Tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Tổng tài sản năm 2015 là 5,3%.

Một số Tập đoàn, Tổng Công ty có tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu đạt cao như: Tổng Công ty Xăng dầu quân đội đạt 76%, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre đạt 56%, Mobifone đạt 46%; Viettel đạt 41%; Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai 32%, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp đạt 29%,Công ty TNHH MTV Đông Hải – BQP đạt 29%, Tổng Công ty Truyền hình cáp VN đạt 28%, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng đạt 27%, Tổng Công ty Thái Sơn đạt 27%...

Sau quá trình tái cơ cấu, bước đầu một số Tập đoàn, Tổng Công ty đã hoạt động có hiệu quả và bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước như Tổng Công ty Xăng dầu quân đội đạt 267 tỷ đồng, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đạt 131 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện -VTC đạt 123 tỷ đồng, Tổng Công ty Trường Sơn đạt 79 tỷ đồng, Tổng Công Lương thực Miền Nam đạt 26 tỷ đồng...

Báo cáo của Công ty mẹ, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 111.817 tỷ đồng, giảm 1% so với thực hiện năm 2014. Hầu hết các Công ty mẹ quy mô lớn đều có lợi nhuận trước thuế cao .Tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 10%, Tỷ suất Lợi nhuận/Tổng tài sản năm 2015 là 5,7%.

Về khoản lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 4 Tập đoàn, Tổng Công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của Tập đoàn, Tổng Công ty là 280,234 tỷ đồng. Trong đó, lỗ phát sinh theo báo cáo của 4 Công ty mẹ là hơn 260 tỷ đồng và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất có 14 Tập đoàn, Tổng Công ty còn lỗ lũy kế là hơn 6.100 tỷ đồng và 9 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 1.900 tỷ đồng.

Theo Báo cáo thì các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng là những đơn vị nộp ngân sách lớn nhất. Năm 2015, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 217.200 tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm 2014. Những Tập đoàn, Tổng Công ty có số thu vào ngân sách nhà nước lớn như: PVN hơn 87.000 tỷ đồng, Viettel hơn 34.800 tỷ đồng, EVN hơn 16.400 tỷ đồng, Vinacomin hơn13.800 tỷ đồng, Mobifone hơn 7.300 tỷ đồng, SCIC hơn 6.300 tỷ đồng, Khánh Việt hơn 4.2800 tỷ đồng, Tập đoàn VNPT hơn 3.200 tỷ đồng... Riêng Công ty mẹ, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 120.500 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2014.