Tiến tới khoán bắt buộc xe công

Lộ trình khoán xe công sẽ thực hiện thí điểm ở một số địa phương, tiến tới có thể khoán bắt buộc đối với nhiều chức danh khác nhau tại một số địa bàn có đầy đủ phương tiện giao thông.

28/09/2016 12:47

Lộ trình khoán xe công sẽ thực hiện thí điểm ở một số địa phương, tiến tới có thể khoán bắt buộc đối với nhiều chức danh khác nhau tại một số địa bàn có đầy đủ phương tiện giao thông.

Đây là ý kiến của ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài sản Nhà nước chiều 27/9.

Tạo sự lan tỏa về ý thức sử dụng xe công

Về việc Bộ Tài chính gần đây tự nguyện khoán xe công cho cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Trần Đức Thắng cho biết, việc này thực hiện theo đúng quy định về tính định mức theo khoảng cách từ nhà đến cơ quan. Đối với việc đi công tác, họp và làm việc tại các tỉnh, Bộ vẫn bố trí đầy đủ xe cho lãnh đạo.

Ông Trần Đức Thắng cho biết thêm, Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong trong việc khoán nhưng phải thận trọng từng bước, trước mắt mới khoán đưa đón giữa nhà và cơ quan. Sau một thời gian, Bộ này sẽ đánh giá lại hiệu quả.

Ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho hay, các chức danh lãnh đạo khi không còn xe riêng đưa đón sẽ tự lựa chọn các phương tiện khác như taxi, xe cá nhân, giúp tiết kiệm chi phí ngân sách cho xe riêng. Hiện tại, Văn phòng Bộ Tài chính đang nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ lái xe sau khi cắt giảm.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng tính toán, trên thực tế, chỉ có khoảng 900 xe phục vụ đưa đón các chức danh có hệ số phụ cấp 1,25. Đây là con số không nhiều nếu so với khoảng hơn 37.000 xe công (chưa kể xe của cơ quan quốc phòng, an ninh). Để không ảnh hưởng tới hoạt động cơ quan đơn vị thực hiện, việc khoán cần xác định địa bàn, lĩnh vực chứ không thể ồ ạt mở ra. Quan trọng là từ thí điểm này sẽ có sức lan tỏa dần tới các bộ ngành, địa phương nên rất cần sự ủng hộ đồng thuận. Từ việc thí điểm sẽ tiến tới khoán xe công ở những đơn vị cấp dưới như sở, huyện…

Về quan điểm quản lý xe công nói chung, ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp xe công. Sau khi thực hiện thanh lý xe quá cũ, với các xe còn dùng được, Bộ sẽ tham gia điều chuyển từ đơn vị thừa sang đơn vị còn thiếu xe. Điều này sẽ hạn chế tình trạng có nơi thừa xe còn có nơi lại thiếu, phải mua mới rất lãng phí. Dự kiến, sau khi điều chuyển sắp xếp, xử lý theo đúng các quy định, sẽ không có việc sử dụng quá tiêu chuẩn.

Luật ra đời, quản lý tài sản sẽ hiệu quả hơn

Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi Luật năm 2008), ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, dự thảo Luật thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước… tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công.

Luật này khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; đồng thời chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở bảo đảm quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Về tiến độ thực hiện, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, dự thảo Luật mới dự kiến báo cáo xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2016, đến tháng 5/2017 sẽ thông qua, thời gian dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2018. Bộ Tài chính sẽ nỗ lực tối đa soạn thảo các văn bản hướng dẫn gồm khoảng 10 nghị định hướng dẫn, cố gắng không để có “độ trễ” trong áp dụng Luật.

Hiện tại, tài sản nhà nước đều có báo cáo Quốc hội hằng năm. Theo số liệu báo cáo, giá trị của 4 loại tài sản theo Luật hiện hành (chưa kể nhóm các nhóm tài sản hạ tầng, các công trình cấp nước sạch, khai mỏ…) vào khoảng 1.040.000 tỷ đồng, tương đương gần 50 tỷ USD.

Thời gian tới, tài sản Nhà nước sẽ được cập nhật, tạo cơ sở dữ liệu rộng với diện quản lý đầy đủ hơn. Ví dụ, riêng về hạ tầng, danh mục có khoảng 39.962 tuyến đường với tổng nguyên giá là 1.831.000 tỷ đồng. Các tài sản quốc gia do các bộ ngành quản lý sẽ được tích hợp, tính toán tổng tài sản quốc gia nhằm đưa ra biện pháp quản lý, khai thác phù hợp nhất.