Thủ tướng: “DN ngành Công thương phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn”
13/07/2016 13:44
Ngày 12/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ngành Công Thương bước vào năm 2016 với một số thuận lợi nhưng đã phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh. Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sự phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp phải khó khăn.
Duy trì tăng trưởng xuất khẩu
Ở trong nước, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 5,52%, là mức tăng chậm hơn cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015; chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2015; nhưng IIP của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khả quan 10,1% (cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 10%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khá, đạt mức 9,5% (so với mức tăng 9,8% của 6 tháng đầu năm 2015)… Đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của những tháng cuối năm 2016.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 6 tháng đầu năm tăng 7,5%, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,6%), chủ yếu do giảm ở nhóm ngành khai khoáng (giảm 2,2%). Ngành khai khoáng là ngành duy nhất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11%); các ngành còn lại đều có mức tăng cao hơn cùng kỳ. Sản xuất phân phối điện tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 11,4%); công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%, tương đương mức tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 10%). Đây là mức tăng khả quan nếu so sánh tương quan với tăng trưởng GDP (6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng 5,52% so với mức 6,32% của cùng kỳ năm 2015).
Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2015 tăng 12,7%). Tồn kho tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 01/6/2016 tăng 9% (thấp hơn 2,8 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2015).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 10,1% (mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước 13,4%) nhưng là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016).
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Giá nhập khẩu của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mặc dù lượng nhập khẩu các mặt hàng hầu hết đều tăng, như sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại… Trong 22 mặt hàng tính được về giá và lượng thì tác động do giá nhập khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch nhập khẩu 4,95 tỷ USD, do lượng nhập khẩu tăng góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu 4,46 tỷ USD. Tính chung bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng đã khiến cho kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 490 triệu USD.
3 nhiệm vụ ngành Công Thương cần sớm thực hiện
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả mà ngành Công Thương đạt được 6 tháng đầu năm 2016, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nổi lên là ảnh hưởng của Elnino mạnh nhất trong 100 năm qua, hạn hán, xâm nhập mặn hay sự cố môi trường ở miền Trung.
Một số các ngành hàng đạt kết quả khích lệ như công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%, điện sản xuất tăng 11,6%, sản lượng apatit tăng 13,3%, khí hóa lỏng tăng 11,3%, sắt thép thô tăng 15,1%… Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá, mặc dù trong lĩnh vực nông nghiệp, mất 1,4 tấn lương thực do thiên tai nhưng lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD. Thị trường trong nước tiếp tục được quan tâm phát triển, hàng hóa đa dạng, không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, cơ bản thực hiện tốt việc bình ổn giá, quản lý thị trường.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp và xây dựng tăng thấp hơn so với cùng kỳ, quản lý thị trường còn bất cập, một số chuỗi doanh nghiệp bán lẻ bị nước ngoài chi phối, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn, chưa giải quyết được căn bản. Việc quản lý bán hàng đa cấp chưa chặt chẽ, còn gây bức xúc trong xã hội…
Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ mà ngành cần chú trọng thực hiện. Đó là thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng một nền kinh tế thị trường thực chất, hiệu quả. Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt. Tổ chức, quản lý thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, chống độc quyền.
Thứ hai, phải làm sao để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện và động lực cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ với tinh thần doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển.
“Các đồng chí phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu và nhắc lại định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; cho rằng phải đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường, “nếu cứ làm theo tư duy kế hoạch hóa thì sẽ thất bại”.
Thủ tướng khẳng định bên cạnh phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân. “Không thể phát triển với bất cứ giá nào”.
Với các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Thủ tướng mong muốn phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn – môi trường cạnh tranh quốc tế. Đó cũng là nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong việc giúp doanh nghiệp ra biển lớn, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp, Bộ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như đã chỉ đạo tiến hành tập trung rà soát hơn 20 văn bản qui phạm pháp luật có các qui định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm… thuộc chức năng, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ.
Đến nay, Bộ đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các thủ tục hành chính công của Bộ Công Thương đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến.