Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014
28/08/2014 17:58
*Báo cáo tình hình KT-XH
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong ngày 27-28/8/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng, dự báo tình hình 9 tháng, cả năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận vào nhiều Đề án, nội dung quan trọng khác.
I/ KINH TẾ - XÃ HỘI
Chính phủ thống nhất đánh giá trong những tháng đầu năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc. Dựa trên tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng và dự báo thực hiện cả năm, trong 14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt; trong đó tăng trưởng GDP đạt 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đạt được trong 8 tháng qua cho thấy có cơ sở để tin tưởng việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đã đề ra; đồng thời yêu cầu trong 4 tháng còn lại của năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. “Nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Với tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách; các nhóm giải pháp trong lĩnh vực xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh; tăng cường công tác đối ngoại… Tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân đầu tư.
- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả chống thất thoát, lãng phí. Khẩn trương, quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành gắn với nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với giải quyết nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém..
- Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính. “Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước”. Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, tạo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển. “Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường...T iếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là giải nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách cho người dân bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân tham gia giữ rừng.
- Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động hơn trong công tác đối ngoại, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế đất nước.
- Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng định hướng mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Theo đó, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%...
II/ MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC
Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số Đề án, Báo cáo quan trọng.
- Về Dự thảo Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết về Đề án này, theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học. Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương và Đại học Hà Nội) thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.
- Về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện Đề án, thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.
Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.
- Về Báo cáo tóm tắt kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013 của các cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông trình, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ thông tin là phương tiện vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. “Mục đích báo cáo để các bộ, ngành, địa phương biết mình đang đứng ở đâu để cố gắng hơn”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, theo đó, có 11 Bộ, ngành xếp mức khá, 8 trung bình; 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và 51 địa phương xếp mức trung bình.
- Về báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ chế, chính sách đặc biệt đối với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình duyệt theo thẩm quyền, theo các quy định của pháp luật.
- Về đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghiệp lùi hiệu lực Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/9/2014 có nhiều quy định không khả thi, Thủ tướng Chính phủ nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến. “Phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi”, Thủ tướng lưu ý.
- Trước ý kiến của một số thành viên Chính phủ về quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng/người/ngày (theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg) là tạo ra kẽ hở cho buôn lậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét hủy bỏ quy định này. “Không để lợi dụng chính sách tiếp tay cho buôn lậu, gây hại cho sản xuất trong nước”, Thủ tướng nêu rõ.
- Về ý kiến của Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế, cả trong các cơ quan hành chính cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, từ nay đến năm 2016, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, nhất là ở khu vực sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.