Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm
28/10/2014 16:49
Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nói chung và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói riêng là một trong những vấn đề quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mặc dù đã có nhiều cố gắng từ các bộ, ngành, doanh nghiệp nhưng trên thực tế tiến độ thoái vốn vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Được biết, đến hết tháng 9/2014, tiến độ thoái vốn của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty chưa đạt so với mục tiêu đề ra nhưng cũng đã tăng gấp 3 đến 3,5 lần so với năm trước. Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính): Nguyên nhân chủ yếu của việc thoái vốn chậm được xác định do thị trường còn nhiều khó khăn, khiến các DN khó tìm được khách hàng đủ điều kiện tiến hành bán cổ phần. “Tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp và công tác tổ chức thực hiện của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty cũng là những nguyên nhân chính khiến thoái vốn chưa đạt tiến độ”- ông Tiến nhấn mạnh.
Đối với ngành Công Thương, việc thoái vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty đã được thực hiện khá nghiêm túc. Ông Lê Minh Chuẩn- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) - cho biết: Bên cạnh việc thực hiện tái cấu trúc đã xong về chuyển đổi sắp xếp các công ty từ 2 cấp sang 1 cấp, TKV đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 1.600/1.800 tỷ đồng và phấn đấu cuối quý I/2015 sẽ hoàn thành việc thoái vốn. Đối với Tập đoàn Dệt may, theo Tổng giám đốc Lê Tiến Trường đến hết tháng 9/2014 việc thoái vốn đã được thực hiện ở 21/ 37 đơn vị, đạt con số 1.030/1.200 tỷ đồng cần thoái vốn. Đặc biệt, quá trình thoái vốn của tập đoàn sau 9 tháng đầu năm có lãi 56 tỷ đồng.
Các giải pháp được đề xuất
Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN thời gian qua diễn ra chậm, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - bày tỏ, bên cạnh nguyên nhân như: thị trường chứng khoán, bất động sản v.v… giảm sút khiến cho việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn thì yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước là một nguyên nhân khiến các DNNN mới chỉ thoái được phần vốn tại các khoản đầu tư vào các công ty làm ăn tốt. Với các đơn vị kinh doanh thua lỗ, việc thoái vốn sẽ là vấn đề nan giải. Ngoài ra, quy định tại Điều 21, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, trong đó yêu cầu hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán cũng gây khó khăn cho việc thoái vốn.
Để giải quyết thực trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn: Thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đấu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn nhà nước sẽ chuyển về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như thế nào… Ngoài ra, Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ thoái vốn nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN.
Thoái vốn DNNN là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên có những cuộc họp bàn nhằm đưa ra cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho quá trình thoái vốn của DN. Vấn đề quan trọng nhất là thể chế đã xong, còn lại là tổ chức và giám sát thực hiện cho hiệu quả./.