Thiệt hại chục ngàn tỉ do cấm xuất khẩu quặng sắt
06/04/2016 08:57
Nhiều nơi trên thế giới đã đóng cửa các lò luyện thép từ quặng, chuyển sang sản xuất thép từ phế liệu để tránh ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, tại VN việc cấm xuất khẩu quặng đã khiến ngân sách thất thu hàng ngàn tỉ và duy trì sản xuất thép từ quặng sắt dẫn đến ô nhiễm trầm trọng do đốt lò bằng than cốc.
Hòa Phát hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt
Trong số vài chục doanh nghiệp (DN) sản xuất thép hiện nay tại VN có khoảng chục lò luyện thép sử dụng quặng sắt, nhưng hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Chỉ có Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên và Công ty thép Hòa Phát có quy mô lớn. Nhưng Thái Nguyên hầu như tự chủ được nguyên liệu của mình, còn Hòa Phát vẫn chủ yếu mua quặng sắt trong nước. Vì vậy, chính sách cấm xuất khẩu (XK) quặng sắt từ năm 2012 đã tạo lợi thế tuyệt đối cho Hòa Phát.
Cụ thể, theo công văn của 8 DN thuộc Hội DN khai thác và chế biến quặng sắt gửi Thủ tướng trong năm 2015, 90% DN khai thác quặng sắt đã phá sản; 10% hoạt động cầm chừng và nguy cơ phá sản cao. Lý do là từ khi cấm XK quặng sắt, đầu ra của các DN này đã bị bó hẹp, chủ yếu là cung cấp cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát nên họ bị các đơn vị thu mua quay lại ép giá. Ví dụ, khi giá thế giới vào khoảng 48 USD/tấn quặng sắt thì công ty trong nước chỉ mua với giá dưới 42 USD/tấn.
Công văn trên cho biết, trung bình cứ 1,6 tấn quặng sắt (hàm lượng Fe 65%) cho ra 1 tấn thép, tương đương giá trị quặng sắt/tấn thép chỉ là 1,85 triệu đồng. Trong khi đó, giá thép bán ra là 12 triệu đồng/tấn. Như vậy, tỷ suất quặng/thép chỉ có 15%. Tỷ lệ này là chưa từng có trong lịch sử ngành luyện kim thế giới, bởi trên thế giới tỷ lệ này tối thiểu là 30%. Tức là, DN thép mua quặng với giá rất rẻ song lại bán thép thành phẩm giá cao hơn nhiều giá thế giới. Tình trạng này khiến DN quặng lẫn người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Với lợi thế mua quặng rẻ, Hòa Phát nhiều năm nay lợi đủ bề. Theo các chuyên gia, trong ngành thép khoảng cách giữa nhà máy và nơi tiêu thụ quá 800 km là không có khả năng cạnh tranh. Nhưng với Hòa Phát, dù nhà máy đặt tại Hải Dương và Hưng Yên vẫn cạnh tranh khá tốt trên thị trường miền Trung và thậm chí vào tận miền Nam. Năm 2013 - 2014, khi giá quặng sắt bình quân của thế giới là 135 USD/tấn thì tại VN giá XK chỉ khoảng 85 USD/tấn. Bản thân Hòa Phát chỉ mua giá quặng trong nước khoảng 55 USD (do không phải đóng thuế XK quặng 40%) và từ đó ước tính đã có lời hơn các DN khác trong ngành khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn thép. Nếu cộng chi phí vận chuyển và trung chuyển từ nhà máy phía bắc vào nam khoảng 500.000 đồng/tấn thì Hòa Phát vẫn còn lời hơn 700.000 đồng/tấn.
Điều đáng nói, dù mua nguyên liệu trong nước rẻ hơn nhiều lần so với nhập khẩu, sản xuất lò cao chi phí thấp hơn lò điện, lợi nhuận dẫn đầu trong ngành thép nhưng theo ghi nhận trên thị trường, trong những đợt tăng giá thép như vừa qua, không chỉ những DN nhập khẩu phôi từ nước ngoài mà bản thân Hòa Phát cũng đều tăng giá bán. Trong khi chính tập đoàn này là nguyên đơn yêu cầu điều tra và áp thuế tự vệ đối với phôi thép nhập khẩu, gây xáo trộn và tăng giá thép như hiện nay. Hòa Phát cũng chính là đơn vị gửi công văn lên Chính phủ đề nghị không cho XK quặng sắt năm 2013 và thụ hưởng toàn bộ nguồn lợi như nói trên.
Ngân sách thất thu, tiền vào túi thiên hạ
Theo một nghiên cứu độc lập của các chuyên gia kinh tế Fulbright gồm Huỳnh Thế Du, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Thành và Đinh Công Khải, sự bất cập lớn nhất của chính sách cấm XK quặng sắt là tạo lợi thế cho những DN đã đầu tư xây dựng công nghệ lò cao như Tập đoàn Hòa Phát và Công ty gang thép Thái Nguyên. Đặc biệt, tổn thất rất lớn của chính sách này là tạo ra lợi thế cho chính đối thủ trực tiếp nhất là Trung Quốc, thông qua việc XK lậu quặng sắt, dẫn đến thất thu ngân sách và tạo sân chơi không bình đẳng.
Theo số liệu chính thức của hải quan VN, lượng xuất khẩu quặng sắt của nước ta năm 2013 chỉ là 1,24 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của hải quan Trung Quốc, con số này lên đến 4,5 triệu tấn. Phần chênh lệch chủ yếu do XK không chính thức. Giá XK bình quân quặng sắt VN là 84,75 USD/tấn theo hải quan Trung Quốc nhưng theo hải quan VN chỉ là 48,72 USD/tấn, trong khi giá bình quân mà Trung Quốc nhập từ các nước Ấn Độ, Brazil và Úc là 135 - 139 USD/tấn. Như vậy, với 4,5 triệu tấn quặng sắt bị XK lậu mỗi năm, VN bị thiệt hại khoảng 225 triệu USD (tương đương 4.725 tỉ đồng vào thời điểm năm 2013). Phần này rơi vào túi các DN Trung Quốc khi mua được quặng giá rẻ.
Chưa hết, việc XK lậu quặng sắt cũng khiến VN bị thất thu thuế hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2013 mức thất thu ước tính là 3.984 tỉ đồng (bao gồm không thu được thuế XK, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và bảo trì đường bộ…). Nghiêm trọng hơn, các DN Trung Quốc mua quặng sắt của VN với giá rẻ, sau đó sản xuất thép và bán ngược lại thị trường VN khiến các DN trong nước khó có thể chống đỡ nổi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, một chính sách chỉ làm lợi cho 1 - 2 DN là không công bằng, gây bất đình đẳng trong môi trường kinh tế của VN. Mặc dù quặng sắt là nguồn tài nguyên có giới hạn của đất nước nhưng cũng không nên cấm hẳn. Đặc biệt khi sản xuất trong nước từ nguồn tài nguyên đó nhưng gây ô nhiễm môi trường, không có lợi thế cạnh tranh so với giá sản xuất thành phẩm của thế giới thì chúng ta không nên làm.