Thép tăng nóng: Ai đủ sức tôi luyện?
27/03/2015 12:37
Doanh nghiệp ngành Thép tăng trưởng doanh thu tốt nhất giai đoạn 2010 - 2013.
Theo thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500- Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép - CAGR trung bình của ngành thép cao nhất Bảng xếp hạng, cho thấy đây là ngành tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2010 - 2013, thế chỗ ngành thủy sản trong Bảng xếp hạng năm trước (tương ứng với giai đoạn 2009 - 2012). Một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép tăng trưởng tốt có thể kể đến như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép Nam Kim hay Công ty CP Thép TVP...
Hình 1: Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) giai đoạn 2010 - 2013 cao nhất trong BXH FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report |
....nhưng có phải là ngành hấp dẫn đầu tư?
Đánh giá về tình hình và khả năng sinh lời của các ngành trong Bảng xếp hạng FAST500, có thể thấy ngành Thép không xuất hiện trong Top 10 ngành có tỷ lệ Lợi nhuận sau thuế/ Tổng doanh thu năm 2013 cao nhất, đồng thời cũng vắng bóng trong Top 10 ngành có hệ số sinh lời ROE năm 2013 cao nhất Bảng xếp hạng. Rõ ràng, dù là ngành tăng trưởng doanh thu tốt nhưng khả năng sinh lời của ngành lại không cao, khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hình 2: Top 10 ngành có tỷ lệ Lợi nhuận sau thuế/ Tổng doanh thu năm 2013 cao nhất trong BXH FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report |
Hình 3: Top 10 ngành có hệ số sinh lời ROE trung bình năm 2013 cao nhất trong BXH FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report |
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chi phí của các doanh nghiệp ngành thép hiện còn khá cao (nguyên vật liệu đầu vào, điện than trong giai đoạn vừa qua liên tục biến động theo chiều hướng giữ hoặc tăng giá; chi phí sản xuất và quản lý cao...). Do vậy, để làm tăng khả năng sinh lời trong các năm tới, các doanh nghiệp ngành thép cần chú trọng tiết giảm chi phí không hợp lý, quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trình độ công nghệ nhằm tránh tổn hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và tối ưu hóa công suất sản xuất.
Thử thách nào cho ngành thép trong năm 2015?
Theo Bộ Công Thương nhận định, tình hình tiêu thụ thép trong những tháng đầu năm 2015 gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tâm lý chờ đợi của khách hàng khi giá các nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt liên tục giảm. Bên cạnh đó, thị trường xây dựng - bất động sản vẫn trầm lắng khiến thép xây dựng vẫn chưa "được mùa", do đó lượng hàng tồn kho vẫn còn khá nhiều. Trong khi thép giá rẻ được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lại gia tăng, gây thêm nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ cho các doanh nghiệp tại thị trường nội địa - thị trường chính của các doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian tới, để ngành thép phát triển ổn định và cạnh tranh công bằng, Hiệp hội thép Việt Nam - VAS đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ ngành thép bằng các biện pháp kỹ thuật như kéo giãn lộ trình giảm thuế hay áp thuế chống bán phá giá... Tuy nhiên, song song với việc chờ đợi câu trả lời từ Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc cắt giảm chi phí, từ đó có cơ sở để hạ giá thành thành phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam, đem lại lợi ích tốt nhất cho các doanh nghiệp ngành thép./.