Thêm 17 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam
06/10/2015 17:38
Trong 9 tháng qua, cả nước thu hút thêm khoảng 17,15 tỉ USD vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Ước tính, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,65 tỉ USD, tăng 8,4 % so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 9 tháng năm 2015 có sự tăng đột biến về đầu tư nước ngoài so với cùng kỳ năm 2014 do trong tháng 8 và tháng 9 đã cấp giấy phép cho một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn.
Điển hình là Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỉ USD của nhà đầu tư Malaysia tại Trà Vinh; dự án của Công ty Samsung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỉ USD tại Bắc Ninh, mục tiêu sản xuất, gia công, bán các loại màn hình; dự án Công ty liên doanh thành phố Đế Vương với tổng vốn 1,2 tỉ USD do Vương quốc Anh đầu tư tại TPHCM vào lĩnh vực bất động sản...
Trong tổng số vốn 17,15 tỉ USD, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 737 dự án đầu tư đăng ký mới và 346 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 11,36 tỉ USD, chiếm 66,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 2,6 tỉ USD, chiếm 15,3% và đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 19 dự án đầu tư mới và 7 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư 1,81 tỉ USD.
Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,74 tỉ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Tiếp theo là Malaysia với 2,4 tỉ USD, chiếm 14,6%; Vương quốc Anh với tổng vốn 1,27 tỉ USD, chiếm 7,4%...
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 3,34 tỉ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn. Kế đến là TPHCM với 2,61 tỉ USD, chiếm 15,2% và Trà Vinh 2,52 tỉ USD, chiếm 14,7%.
Tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng
Cũng theoBộ Công Thương, 9 tháng năm 2015, xuất khẩu ước đạt khoảng 73,2% kế hoạch năm 2015 (kế hoạch là 165 tỉ USD).
Xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) chiếm tỉ trọng 68% (9 tháng năm 2014 chiếm tỉ trọng 61,6%). Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm, cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.
Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2014 (tăng lần lượt là 9,6% và 14,6%) do nguyên nhân chủ yếu là giá xuất khẩu giảm. Kim ngạch xuất khẩu giảm tập trung vào hai nhóm nông-lâm-thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu 3 tháng cuối năm 2015 sẽ có nhiều thuận lợi. Điều đó thể hiện qua việc tăng trưởng công nghiệp tốt lên, tỉ giá và lãi suất diễn biến thuận lợi...
Tuy nhiên, để đạt kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và nhập siêu ở mức 6 tỉ USD như kế hoạch thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nguồn hàng; tăng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đồng thời các thương vụ rà soát các thị trường, biện pháp phòng vệ thương mại để đánh giá tác động khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ở nước sở tại.