Tháng 8: Dấu hiệu lạc quan phục hồi kinh tế

Với một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô: Thặng dư thương mại cao, vốn đầu tư tăng, chỉ số CPI tăng thấp, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào… cho thấy, kinh tế đất nước đã có dấu hiệu ổn định và phục hồi.

30/08/2014 21:22

Với một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô: Thặng dư thương mại cao, vốn đầu tư tăng, chỉ số CPI tăng thấp, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào… cho thấy, kinh tế đất nước đã có dấu hiệu ổn định và phục hồi.

Vẫn duy trì xuất siêu

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) hàng hóa tháng 8 ước đạt 13 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng 7. Trong đó, kim ngạch nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng 12,4% so với tháng 7 và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2013; các mặt hàng như than đá, dầu thô, xăng dầu các loại tăng từ 9- 62% so với tháng trước. Tiếp đến là nhóm hàng công nghiệp chế biến, tuy chỉ tăng 0,4% so với tháng 7, nhưng cũng tăng tới 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhìn chung, kim ngạch XK 8 tháng đầu năm đạt gần 97 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Có được con số tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào các mặt hàng như: Thủy sản, cà phê, hạt tiêu... tăng 22- 41%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng cao nhất (15,1%) do kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực như: Gỗ, dệt may, da giày, điện thoại, máy móc thiết bị… tăng cao.

Ngược với XK, nhập khẩu (NK) hàng hóa tháng 8 ước 12,9 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 7. Như vậy kim ngạch NK hàng hóa 8 tháng đầu năm ước đạt 95,286 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Với những con số đó, tháng 8 vẫn duy trì xuất siêu, đưa con số xuất siêu 8 tháng đầu năm ước đạt 1,698 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn một cách tổng quát, với những dấu hiệu tích cực trong 2 tháng qua, các động lực tăng trưởng kinh tế cho cả năm nay vẫn chưa đủ mạnh. Vì thế, từ nay đến cuối năm, các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế lạm phát... phải được tăng cường hơn nữa thì kinh tế Việt Nam mới có đà phục hồi và phát triển.

Đà phục hồi kinh tế

Bức tranh kinh tế của Việt Nam từ tháng 7 đang khởi sắc, tạo đà phục hồi, dựa trên cơ sở phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Trước hết, sau 2 tháng giảm liên tiếp, tháng 7, kim ngạch XK đã đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 6; tháng 8 đạt 13 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng 7. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 7,5% và tháng 8 ước tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 238.731 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng 6; tháng 8 đạt 242.296 tỷ đồng, tăng 0,14% so với tháng 7. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,23% so với tháng 6; tháng 8 tăng 0,22% so với tháng 7. Theo các chuyên gia trong Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI 8 tháng đầu năm tăng 1,84% - mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lạm phát được kiềm chế.

Điều đáng nói, báo cáo của Ngân hàng ANZ công bố hôm 30/7 cho thấy: Tháng 7/2014, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp tục tăng 3,1 điểm, lên 134,1 điểm, vượt xa mức trung bình của năm 2013 là 131 điểm. Con số này chứng tỏ niềm tin tiêu dùng của người Việt Nam có sự thay đổi theo bối cảnh kinh tế vĩ mô dần cải thiện. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chi tiêu cá nhân đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, tình hình giải ngân vốn FDI, ODA, vốn ngân sách trong 2 tháng trở lại đây cũng được cải thiện. Đây sẽ là tác động tốt hơn tới tăng trưởng kinh tế.

Trên thị trường tài chính, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại trong tháng 8 tương đối ổn định, lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 5 - 6%/năm kỳ hạn từ 1 - 6 tháng; 6 - 7,5%/năm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; 7,5 - 8,1%/năm kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh thông thường khoảng 9 - 10%/năm ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm trung và dài hạn.

Theo ông Phạm Xuân Hòe- Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay, việc huy động vốn thuận lợi, kim ngạch XK tăng nên nguồn dự trữ ngoại tệ khá dồi dào.