Tham nhũng khu vực công đang rất nghiêm trọng

02/11/2014 08:43

(ĐCSVN) - Sáng 31/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Hầu hết các đại biểu cho rằng, nền kinh tế nước ta còn nhiều thách thức, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Sự quyết tâm từ Trung ương đến địa phương đã góp phần vào sự chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chia sẻ về sự yếu kém của một số lĩnh vực mà báo cáo đã đề cập như phát triển chưa bền vững, tình hình tham nhũng, vượt chi ngân sách, nhiều chỉ tiêu, chính sách còn chưa hợp lý …

Nhà công vụ thành nhà “tư vụ”

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, theo công bố mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế về chỉ số tham nhũng trong khu vực công, Việt Nam đang xếp thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó cho thấy, mức độ tham nhũng ở nước ta rất nghiêm trọng, tinh vi, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là tham nhũng trong khu vực công.

Toàn cảnh phiên họp sáng 31/10 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ( Ảnh:KS)

Đại biểu Tiến dẫn ra tại hội nghị ĐBQH chuyên trách và phiên thảo luận về Luật Nhà ở, nhiều đại biểu đã rất bức xúc khi đề cập đến việc quản lý, sử dụng nhà công vụ. Nhà công vụ, biệt thự công là tài sản công, tài sản của Nhà nước, được Nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không ít cán bộ, lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa nhưng vẫn tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn, "quên" trả lại. Hành động này, theo đại biểu Tiến, thực chất là biến nhà công vụ thành nhà "tư vụ". Có người còn cho con cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế ở nhờ, giữ hộ. Có người thì cho thuê nhà công vụ để hằng tháng hưởng khoản tiền “trời cho” lớn hơn nhiều lần tiền lương.

“Có lẽ đã đến lúc nên đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ. Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay, quà biếu trị giá vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng. Nhưng từ trước tới nay, chưa ai tham nhũng nhà công vụ trị giá tới nhiều tỷ đồng bị xử lý", đại biểu Tiến đề nghị.

Còn đại biểu Nguyễn Đức Kiên lưu ý, về cơ bản, kế hoạch năm 2015 đã đi vào đường ray, các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ ở tốc độ ổn định. Vì thế, không nên đề ra chính sách có tính đột phá vì chúng ta đã có rất nhiều chính sách nhưng chưa đủ thời gian để chính sách đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, đại biểu Kiên kiến nghị: Việt Nam cần phải phân tích thêm về vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ tại sao các báo cáo của ADB, IMF, World Bank hạ chỉ tiêu của thế giới nhưng riêng Việt Nam vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 5,8%. Vậy yếu tố nào trong cơ cấu kinh tế, điều hành kinh tế năm 2014 giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để đạt được chỉ tiêu?

Đối với kế hoạch 5 năm, nhìn lại 11 chỉ tiêu tiêu tiền thì chúng ta làm được còn 7 chỉ tiêu để làm ra tiền thì chúng ta không đạt. Ở đây chúng ta phải thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc cứ đưa ra chỉ tiêu để tiêu tiền liệu có đủ tiền để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước hay đây chính là nguyên nhân để nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên, đại biểu Kiên nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế -xã hội năm 2014
và nhiệm vụ năm 2015 (Ảnh:KS)

Cũng trong phiên họp sáng nay, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cũng bày tỏ Quốc hội cần ra Nghị quyết về vấn đề nâng cao năng suất lao động vì sự phát triển bền vững, vì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đại biểu Việt “Chúng ta nên có chỉ tiêu về năng suất lao động trong hệ thống chỉ tiêu, từ đó có tính toán để mỗi năm nâng năng suất lao động dần lên mức trung bình và mức cao của thế giới".

Hầu hết các ngành đều vượt chi ngân sách

Lo ngại về tình hình vượt chi ngân sách, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng: Mặc dù nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Báo cáo của Chính phủ về tình hình chi ngân sách Nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt trên 4.000 tỷ đồng, chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề vượt hơn 1.500 tỷ đồng. Theo đại biểu Đáng, trong tình hình khó khăn ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi thì cần phải biết xấu hổ, người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ.

Trong phiên họp sáng nay, vấn đề nợ công tiếp tục là chủ đề được các đại biểu quan tâm. Thảo luận trước Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, nợ công không phải vấn đề riêng của Việt Nam hay các nước đang phát triển. Nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Tuy nhiên, nợ công của chúng ta đã vượt quá 84 tỷ USD, nếu tính bình quân đầu người là trên 900 USD. Trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên khoáng sản, xuất khẩu.

Vì vậy, Chính phủ phải rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, kiểm soát chặt để cho chiến lược trả nợ rõ ràng. Ngoài ra, đại biểu đề xuất một số giải pháp như: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu, hạ tầng cơ sở; đổi mới chi tiêu công; xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp thắt chặt nợ công, mỗi người phải tự tiết kiệm theo nguyên tắc “xếp gạch xây ngày mai”.

Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), nợ công những năm qua đã tăng khá nhanh đi cùng nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, một phần nguyên nhân là do hiệu quả quản lý vốn vay không chặt chẽ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu ngân sách sụt giảm nhưng cũng vẫn phải dùng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, theo đại biểu, cần tập trung thống nhất 1 đầu mối quản lý nợ công, quy định rõ chức năng thẩm định sử dụng vốn vay, cân nhắc kỹ hiệu quả dự án trước khi đầu tư, phân kỳ dự án để giải ngân, kiên quyết loại bỏ dự án không hiệu quả, tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tái đầu tư để trả nợ; cơ cấu lại thời hạn vốn vay trong nước và kiểm soát chặt chẽ lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai./.