Tập đoàn kinh tế: Còn chưa hết… rắc rối
26/02/2015 16:08
Đã hơn 10 năm các tập đoàn kinh tế Nhà nước được thành lập, nhưng đến nay chúng ta vẫn loay hoay, rất rối và luẩn quẩn về khái niệm
Những nghịch lý
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản cho các tập đoàn kinh tế (TĐKT) của Việt Nam, dựa vào các giả định điều kiện thuận lợi, khó khăn và xu hướng sắp tới. Ở kịch bản khả quan nhất, tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2014 - 2020 của các TĐKT đạt khoảng 15,79%. Với 2 kịch bản kém thuận lợi hơn còn lại, con số dự báo là 14,23% và 12,68%. Nhưng, điểm chung được nhóm nghiên cứu này đưa ra là doanh thu bình quân sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2018 - 2019, đối với tất cả các kịch bản, sau đó sẽ giảm dần.
Trong khi dự báo một tương lai không mấy sáng sủa cho các TĐKT, nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy quy mô của các TĐKT Nhà nước vẫn tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm DN có quy mô lớn nhất. Trong top 20 DN lớn nhất Việt Nam thì 15 là TĐKT Nhà nước. Và, nhóm DN này vẫn giữ vị trí thống lĩnh theo ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế: chiếm 99% thị trường sản xuất phân bón, 97% khai thác than, 94% về sản xuất điện - gas, 91% trong truyền thông và 88% lĩnh vực bảo hiểm.
“Tập đoàn có nhiều vấn đề phức tạp và rắc rối cần phải được phân tích rất khoa học”, TS. Đinh Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đồng thời là một thành viên trong nhóm nghiên cứu đặt thêm vấn đề. Băn khoăn này cũng được ông Đinh Quang Ty (Hội đồng Lý luận Trung ương) nêu thêm câu hỏi: “10 năm qua, nền kinh tế có những trục trặc lớn và những trục trặc đó liên đới gì với các TĐKT? Chuyện lợi ích nhóm, sân sau có hay không? Những câu hỏi lớn đó vẫn chưa được trả lời”.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Vấn đề lợi ích nhóm, sân trước sân sau không chỉ có trong DNNN. Ở đâu có đặc quyền, địa tô lớn và không kiểm soát được thì người ta tạo ra những giao dịch về hình thức là thị trường, nhưng thực tế đó là những giao dịch để tuồn lợi ích đáng lẽ là của nơi này nhưng lại chuyển sang nơi khác. Ở một vài DNNN, TĐKT Nhà nước có nhiều lợi thế và họ chuyển những cơ hội kinh doanh đáng lẽ là của DN này chuyển sang cho những DN sân sau sân trước, hoặc thiết lập những giao dịch để phục vụ cho lợi ích riêng của mình và những người thân hữu.
Rối và luẩn quẩn
Tuy nhiên, ngay những thành viên nhóm nghiên cứu như ông Bùi Quang Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM) cũng tỏ ra phân vân: Hiện không biết Việt Nam có bao nhiêu TĐKT và quy mô nào là tập đoàn cũng chưa thống nhất. Mà không biết có bao nhiêu, không biết quy mô nào là tập đoàn thì khó có chủ trương và chính sách đầu tư đúng, khó có biện pháp giám sát hiệu quả.
Vừa thiếu sự thống nhất từ nhận thức đến quan niệm về TĐKT, khiến khung pháp luật vẫn còn những khoảng trống. Cộng với quan điểm quá coi trọng tập đoàn với quy mô lớn, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi năng lực quản trị yếu, giám sát thiếu đã khiến nhiều tập đoàn rơi vào những sai lầm và sai phạm nghiêm trọng. Với TĐKT Nhà nước vẫn chưa áp đặt kỷ luật thị trường, chưa phân tách giữa nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Sai phạm ở Vinashin, Vinalines đã rõ. Còn ở phía các tập đoàn tư nhân thì Mai Linh cũng đã và đang lao đao vì đầu tư quá nóng. Hoàng Anh Gia Lai cũng đã có lúc chao đảo, “may mà có sự trợ lực từ phía ngân hàng”, theo ông Dũng. Bên cạnh đó, các tập đoàn đang yếu ở tầm quản trị, nhất là tập đoàn tư nhân, “quản trị kiểu gia đình, tầm gia đình nhưng muốn quy mô tầm quốc gia tầm khu vực”.
“Nhận thức chưa đúng, chưa thống nhất nên nhiều vấn đề nảy sinh”, theo ông Ty. Ông Bá cũng nói, với quan điểm nhận thức và xác định về TĐKT Nhà nước như hiện nay thì “10 năm nữa cũng chưa giải quyết được vấn đề TĐKT”.
Đã hơn 10 năm các TĐKT Nhà nước được thành lập, nhưng chúng ta vẫn loay hoay, vẫn rất rối và luẩn quẩn về khái niệm, theo TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng Ban Cải cách đổi mới DNNN (CIEM). Ông cho rằng, không nên hô hào phát triển TĐKT, bởi thành tập đoàn là được trao đặc quyền, đặc lợi, mà hãy để các TĐKT tự thành lập, tự phát triển theo nhu cầu của DN.
Thực tế, so với TĐKT Nhà nước, các TĐKT tư nhân có sự tăng trưởng nhanh về tổng giá trị tài sản và vốn, nhưng số lượng nhỏ hơn. Chỉ có 8 TĐKT tư nhân có quy mô tài sản trên 10.000 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu của 8 TĐKT này chỉ bằng 15,5% tổng vốn chủ sở hữu của 8 TĐKT Nhà nước. TĐKT tư nhân hoạt động chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực không được coi là những ngành then chốt của nền kinh tế, hoặc trong các ngành quan trọng nhưng không có vị thế thống lĩnh, chi phối.
Mức độ chuyên môn hóa chức năng của công ty mẹ trong TĐKT Nhà nước cao hơn khá nhiều so với TĐKT tư nhân. Nhưng ngược lại, các TĐKT tư nhân có mức độ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu tốt hơn và dường như đang có những bước phát triển bền vững hơn so với TĐKT Nhà nước.