Tăng tốc thoái vốn từ bán đấu giá cổ phần theo lô
28/05/2015 07:37
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 27-5-2015, Chính phủ cho ý kiến vào việc bán đấu giá cổ phần theo lô do Bộ Tài chính trình. Đây được cho là giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy thoái vốn của các DNNN.
Có tập đoàn thu lãi khi thực hiện thí điểm
Việc bán đấu giá cổ phần theo lô giúp DN bán được hết vốn đầu tư trong một lần, tránh tình trạng chỉ bán được một phần và phải tổ chức nhiều cuộc đấu giá mới bán hết số cổ phần cần bán, hoặc tỷ lệ vốn đầu tư còn lại sau khi bán đấu giá quá ít khiến DN mất nhiều thời gian theo dõi và quản lý tiếp phần vốn còn lại.
Trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn mua cổ phần theo lô để có đủ điều kiện tham gia quản trị, điều hành DN, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cũng như sức cạnh tranh của DN.
Việc bán đấu giá cổ phần theo lô đã được thí điểm thực hiện. Qua rà soát, từ cuối năm 2011 đến nay, 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM đã tổ chức 8 phiên đấu giá theo lô, trong đó, 6 phiên đấu giá không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký mua và 2 phiên đấu giá thành công.
Mặc dù vậy, cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép một số đơn vị thực hiện. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã được phép bán cả lô cổ phần theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP. Đến nay, SCIC chưa tổ chức bán cả lô cổ phần tại các Sở Giao dịch chứng khoán và đang xây dựng Quy chế mẫu thí điểm bán đấu giá cổ phần để có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài ra, một số công ty quản lý đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bán cả lô cổ phần và hiện đang triển khai.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bán cả lô cổ phần. Tập đoàn đã tổ chức bán đấu giá theo lô toàn bộ số cổ phần thành công tại 5 DN (1 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 3 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và 1 tại trụ sở DN thông qua tổ chức tài chính trung gian) với tổng giá trị thu về là 98 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí chuyển nhượng và vốn gốc đầu tư có lãi 78 tỷ đồng.
Thực hiện công khai với quy định chặt chẽ
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây khi có ý kiến lo ngại về việc bán đấu giá cổ phần theo lô có thể bị lợi dụng để lách quy định niêm yết, hay nhà đầu tư mua đi bán lại kiếm lời mà không gắn bó với DN…, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Việc bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo quy chế đấu giá công khai qua các Sở giao dịch với các được quy định chặt chẽ.
Các Sở giao dịch sẽ liệt kê DN nào sau cổ phần hóa mà chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch để các Bộ chấn chỉnh. Còn đối với việc lợi dụng thoái vốn theo lô để lách, không trở thành công ty đại chúng thì sẽ có biện pháp để Uỷ ban Chứng khoán quy định trong quy chế mẫu đấu giá, để tránh việc DN đang là công ty đại chúng, sau khi thoái lô lớn lại mua gom lại.
"Đối với việc mua đi bán lại thì tuỳ lĩnh vực, nếu lĩnh vực Nhà nước không nắm giữ thì không thể cấm được. Có mua đi bán lại có nghĩa là tính thanh khoản trên thị trường tốt", ông Đặng Quyết Tiến nói.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số nội dung cơ bản. Trong đó, về hình thức bán cổ phần theo lô, dự kiến sẽ chỉ thực hiện một hình thức là bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán (kể cả trường hợp giá trị lô cổ phần tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng) để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Trường hợp bán đấu giá theo lô không thành công thì chuyển sang thực hiện bán cổ phần thông thường theo quy định hiện hành.
Bán đấu giá cổ phần theo lô phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt; đồng thời phải có phương án bán cổ phần theo lô được chủ sở hữu phê duyệt.
Việc bán đấu giá cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán đấu giá và một phiên đấu giá chỉ thự hiện bán một lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần (cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên được xác định là cổ đông lớn, có thể tham gia Hội đồng quản trị công ty cổ phần).
Về quản lý tiền thu từ bán cổ phần, theo Bộ Tài chính, sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp bán cổ phần nhà nước do Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu, chi phí bán cổ phần và chi phí thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá được trừ vào số tiền phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Hiện dự thảo Thông tư về hướng dẫn bán đấu giá cổ phần theo lô đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi và sẽ sớm được ban hành để hỗ trợ thoái vốn tại các DNNN.
Nhà đầu tư phải cam kết gắn bó lâu dài với DN
Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô, theo Bộ Tài chính, ngoài nhiệm vụ thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu thì việc tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau cổ phần hóa là cần thiết.
Vì vậy, khi xác định các nhà đầu tư mua cổ phần sẽ là cổ đông lớn thì cần quy định bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo hướng có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với DN (bao gồm cả thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần; có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có) và hỗ trợ để DN nâng cao năng lực tài chính, quản trị, chuyển giao ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả của DN. Trên cơ sở đó, cơ quan phê duyệt phương án bán cổ phần quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.