Tăng cường phối hợp ngăn ngừa tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước

Chiều 27/5, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết một năm việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

30/05/2016 12:29

Chiều 27/5, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết một năm việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo sơ kết do Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trình bày cho biết, trong năm qua, hai cơ quan đã phối hợp có hiệu quả trong việc tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về một số chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng (PCTN). Đã bước đầu phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Trong năm 2015, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước xem xét, làm rõ đối với 01 đơn tố cáo có liên quan đến nội dung trong Báo cáo kết quả kiểm toán; Chuyển 01 đơn tố cáo cán bộ Kiểm toán Nhà nước vi phạm pháp luật đến Kiểm toán Nhà nước xem xét giải quyết.

Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cũng đã cung cấp thông tin cho Ban Nội chính Trung ương về tình hình và kết quả của công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung cần phối hợp trong thời gian tới như: cụ thể hóa, triển khai thực hiện những quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng và về kiểm toán nhà nước đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đại hội XII của Đảng và các chủ trương của Đảng; tăng cường trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan thông qua đơn vị đầu mối; phối hợp thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp triển khai thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Kế hoạch 19-KH/BCĐTW ngày 10/5/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về vấn đề này....

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng; thời gian qua, công tác phối hợp này đã góp phần giúp Ban Nội chính Trung ương và Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao hơn nữa, đồng chí Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới: hai cơ quan cần tập trung vào các vụ, việc vi phạm pháp luật có liên quan đến tham nhũng; xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo trong hoạt động kiểm toán; chủ động cung cấp tài liệu, thông tin kịp thời để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp phòng, chống tham nhũng trong lực lượng kiểm toán thông qua nhiều kênh khác nhau; tăng cường cử cán bộ đi theo các đoàn giám sát, kiểm tra phòng, chống tham nhũng giữa hai cơ quan; thường xuyên tổ chức các Hội thảo về phòng, chống tham nhũng để nâng cao kiến thức, nâng cao hiệu quả phối hợp....

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính trung ương cho rằng, từ khi ký kết đến nay, mặc dù thời gian chưa dài, song hai cơ quan đã có những nỗ lực trong thực hiện Quy chế; công tác phối hợp được tiến hành đúng phạm vi, nội dung, nguyên tắc, phương pháp mà Quy chế đã đề ra; hai bên đều thể hiện tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai cơ quan từng lúc còn chưa chủ động; kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hai bên chưa thống nhất lựa chọn những nội dung trọng tâm cụ thể hàng năm để triển khai chương trình phối hợp trong số các nội dung phối hợp được quy định tại Quy chế.


Hai cơ quan xác định nhiều nội dung quan trọng phối hợp công tác trong thời gian tới. (ảnh: HH)

Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị trong thời gian tới, hai cơ quan tiếp tục phát huy những công việc đã làm tốt, khắc phục có hiệu quả những hạn chế và tích cực triển khai những nội dung được quy định trong Quy chế; cụ thể hóa, triển khai thực hiện những quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng và về Kiểm toán Nhà nước đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đại hội XII của Đảng và các chủ trương của Đảng. Trên cơ sở đó, mỗi bên chủ động chọn những nội dung cần thiết để thống nhất phối hợp. Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa hai cơ quan thông qua đơn vị đầu mối được phân công theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc tổ chức thực hiện Quy chế; tiếp tục việc mời và cử đại diện tham gia các hội nghị, hội thảo của nhau; tăng cường việc cử cán bộ tham gia các đoàn công tác của nhau đúng theo quy định; làm tốt hơn việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị, cần tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước ở một số địa phương để phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý theo Kết luận phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Nâng cao chất lượng tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương thông qua việc nâng cao chất lượng nghiên cứu các báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, trên cơ sở đó, thực hiện tốt chức năng đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với những nơi, lĩnh vực có biểu hiện tham nhũng và có nguy cơ tham nhũng cao.

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng lưu ý, cần tăng cường phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về các vi phạm có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng và tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt quan tâm theo dõi, đôn đốc việc xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà Kiểm toán Nhà nước đã chuyển sang cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền. Khi chuyển hồ sơ các vụ việc nêu trên cho các cơ quan pháp luật, Kiểm toán Nhà nước đồng gửi cho Ban Nội chính Trung ương theo Quy chế phối hợp./.