Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: Mục tiêu nào khả thi?
24/10/2016 08:45
Đến năm 2020, quy mô và cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ nằm ở đâu? Những mục tiêu cho nền kinh tế đất nước mà Chính phủ đặt ra sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 này.
Theo tờ trình của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp, Chính phủ chia ra 5 nhóm nội dung trọng tâm bao quát hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại có cách tiếp cận khác. Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần sớm hoàn thành 3 trọng tâm là đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN.
Hoàn thành 3 trọng tâm trong năm 2017
5 nhóm nội dung trọng tâm của Chính phủ trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 2020 được nhiều ý kiến đánh giá là bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thứ nhất, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI. Thứ hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước (DNNN, đầu tư công, ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công). Thứ ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Thứ tư, hiện đại hoá công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Thứ năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng (thị trường quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ).
Theo Ủy ban Kinh tế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua chủ yếu tập trung vào ban hành chính sách và thực hiện đối với 3 trọng tâm đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN đã gặp nhiều khó khăn. Trong khi các nội dung tái cơ cấu khác chưa triển khai được, nhất là tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế và vùng kinh tế. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thành 3 trọng tâm nói trên trong năm 2017, chậm nhất là đầu 2018, nhất là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công. Đây là cơ sở để phân bổ lại các nguồn lực một cách hiệu quả.
Nhiều chỉ tiêu khó đạt
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, nhiều chỉ tiêu rất cụ thể đã được đặt ra. Theo đó, Chính phủ đặt chỉ tiêu kiểm soát lạm phát dưới 3% đến năm 2020. Tăng năng suất lao động từ 5,5 – 6%/năm. Dự trữ ngoại hối lên khoảng 4 – 5 tháng nhập khẩu. Giảm thâm hụt NSNN xuống dưới 4% GDP vào năm 2020, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP. Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các DN một cách thực chất, giảm bớt ngành nghề quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần.
Mặc dù, các chỉ tiêu nói trên đến là những mục tiêu rất tích cực và đang là những con số mơ ước của nhiều chuyên gia kinh tế. Nhưng nhiều chỉ tiêu Chính phủ đưa ra đã không thuyết phục được các đại biểu. Theo Ủy ban Kinh tế, với chỉ tiêu dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu, Uỷ ban Kinh tế nhận định là khó khả thi. Vì theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc duy trì quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua ở mức 3 tháng nhập khẩu đã là tương đối khó khăn.
Chính phủ cũng đưa ra chỉ tiêu cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch từ 2 – 3% so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất trung bình tại các nước trong khu vực. Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định cụ thể như vậy là khó khả thi, cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên có quyết định can thiệp hành chính. Mặt khác, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay của các nước cũng đa dạng. Để giảm lãi suất cho vay, điều quan trọng là phải tăng cường quản trị ngân hàng để giảm chi phí.
Ngoài ra các chi tiêu như tăng năng suất lao động cũng được đánh giá là quá tham vọng, theo các đại biểu, cần phải đưa ra giải pháp cụ thể. Những chỉ tiêu về đổi mới công nghệ, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN + 4 cũng được đánh giá là khá chung chung.
Có thể thấy, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Kinh tế. Do đó, đây chắc chắn sẽ là những nội dung còn phải tranh luận, góp ý nhiều trong kỳ họp Quốc hội này.