Tái cấu trúc chậm, thêm dấu hiệu xà xẻo vốn Nhà nước
30/05/2014 11:12
“Tình trạng mập mờ định giá giá cổ phần ẩn chứa những dấu hiệu không minh bạch xà xẻo với nhau trong bộ máy quản lý đang dần biểu hiện rõ thêm”.
Một chuyên gia kinh tế đã bộc bạch sự lo lắng, chán nản khi ông nhắc tới tiến độ tái cấu trúc được xem là “tái mãi mà không chín”. Theo ông tiến trình tái cấu trúc đang bộc lộ những hạn chế vì sự chậm trễ, ì ạch và minh chứng lợi ích nhóm thực sự cản trở.
Lợi ích nhóm – nút thắt lộ rõ
Công cuộc tái cấu trúc như TS Lê Đăng Doanh đã từng nói “tái mãi mà không chín” và từ đó đến nay cũng đã hơn hai năm cứ Xuân – Thu nhị kỳ các Diễn đàn kinh tế lại đều đặn nhắc về sự chậm trễ tái cấu trúc, nhất là đối với khối doanh nghiệp nhà nước.
Có lẽ dư luận chỉ thấy tái cấu trúc quyết liệt ở sự đốc thúc của Thủ tướng liên tục ra Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong đó nêu rõ lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không thực hiện cổ phần hóa. Rồi sau đó là sẽ thay lãnh đạo nếu chậm tái cấu trúc tại Thông báo 85/TB-VPCP về việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015.
Vì sao Thủ tướng phải lên tiếng nhiều như vậy trong khi tái cấu trúc đang được xem là giải pháp cốt yếu giúp thay đổi diện mạo nền kinh tế?
Nhìn lại từ diễn đàn kinh tế Mùa Xuân 2013 được tổ chức cách đây đúng 1 năm, khi đó TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã cảnh báo: "Dù Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu" vì sự cản trở của lợi ích nhóm thể hiện rõ. Thế nhưng, trong Đề án lại không thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm cắt bỏ phần "ung nhọt".
Điều này cũng được không ít chuyên gia kinh tế khẳng định cái khó của việc tái cơ cấu liên quan đến lợi ích nhóm. Và đến giờ qua hàng loạt minh chứng từ việc cổ phần hóa khách sạn Phú Gia, hay Công ty cổ phần Bánh Tôm Hồ Tây đã thấy rõ sự mập mờ, xà xẻo ở đây.
“TS Lê Đăng Doanh đã nói rất đúng về sự mập mờ mất vốn khi cổ phần hóa ở những đơn vị này. Nói thật việc định giá giá cổ phần không phải dễ. Trong định giá lại có ẩn chứa không minh bạch xà xẻo với nhau trong bộ máy quản lý. Những vấn đề cụ thể rất phức tạp nên tiến độ cổ phần hóa thoái vốn còn gian truân lắm. Người làm được việc thì ít cộng với tiêu chuẩn công tâm thì ít mà làm để xà xẻo thì nhiều”, vị chuyên gia này nói.
Biển Đông dậy sóng, tái cấu trúc cấp bách hơn
TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương đã từng phải thốt lên khi chứng kiến sự chần chừ, ngập ngừng trong việc đưa ra luật chơi và Chính phủ cố tìm mọi cách giảm thuế, giảm nợ thì khó mà nói câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế. ““Xin Nhà nước đừng giảm thuế để cứu doanh nghiệp mà trước hết phải bãi nhiệm người lãnh đạo đó; không viện dẫn nguyên nhân khách quan hay chủ quan, hãy để thị trường trừng phạt. Mọi động thái “cứu” của Chính phủ như giảm thuế, giảm nợ đều khiến việc cố gắng tái cấu trúc khó thành công”, TS Cung tha thiết đề nghị.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, tái cơ cấu đâu tư công đang được thực hiện nhưng kết quả đạt được cho đến nay không được như mong đợi, nền kinh tế tiếp tục trì trệ và suy giảm, tăng trương chưa được phục hồi.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: cổ phần hóa rất chậm và thoái vốn thì thực sự khó khăn. Tiêu chí cách thức bảo toàn vốn chưa phù hợp với thị trường, chưa đúng tinh thần tái cơ cấu.
Định giá cổ phần hóa: người làm được việc cộng với tiêu chuẩn công tâm thì ít mà làm để xà xẻo thì nhiều
Theo TS Lưu Bích Hồ, hơn lúc nào hết việc tái cấu trúc phải được thực hiện rất cấp bách để nâng cao sức cạnh tranh để nền kinh tế bớt lệ thuộc. “Làm thế nào để nền kinh tế thêm lực để cân bằng. Chúng ta phải nghĩ đến các phương án xấu nhất thì cũng sống được, còn không thì phải phát triển tốt hơn”, TS Hồ nhìn nhận.
Về góc độ này cũng đã có nhiều ý kiến đề cập. Như TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nói: chúng ta luôn phải chủ động và có phương án ứng phó trong mọi tình huống. Chúng ta cần chuẩn bị ứng phó khá rộng: thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, thậm chí cả lĩnh vực tài chính – tiền tệ…”.
“Lúc này phải quyết liệt nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong hoàn cảnh này đòi hỏi phải tạo ra bước phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều so với lâu nay đã định”, TS Lưu Bích Hồ nói.