Sức ì VNSTEEL

Cổ phần hóa kiểu “bình mới, rượu cũ” khiến cho hoạt động của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) sau IPO không có gì thay đổi so với trước, lỗ vẫn hoàn lỗ.

06/06/2014 17:06

Cổ phần hóa kiểu “bình mới, rượu cũ” khiến cho hoạt động của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) sau IPO không có gì thay đổi so với trước, lỗ vẫn hoàn lỗ.

Sự kiện ông Lê Phú Hưng đang là Tổng Giám đốc của VNS bị điều về làm chuyên viên của Bộ Công Thương mới đây thu hút sự chú ý của dư luận. Ông Hưng mới được bổ nhiệm chưa đầy 3 năm, nhưng để VNS lỗ nặng trong vòng 2 năm qua, trong khi các đối thủ của doanh nghiệp này, vốn có ít lợi thế hơn như Hòa Phát, Pomina lại lãi lớn.

Liên tục thua lỗ

Theo báo cáo tài chính của VNS, năm 2012 doanh nghiệp này lỗ 538 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục thua lỗ 289,9 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 822 tỷ đồng. Quý 1/2014, VNS lỗ tiếp 9 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu bán hàng quý 1/2014 của VNS chỉ đạt 2.424 tỷ đồng, giảm 839 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013. Doanh thu giảm mạnh như vậy, nhưng chi phí bán hàng của VNS không giảm, ở mức 14,7 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp là giảm được hơn 11 tỷ đồng, xuống còn 34 tỷ đồng. So với quý I năm ngoái thì VNS đã giảm lỗ được gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên có thể thấy, việc giảm lỗ này không xuất phát từ hiệu quả của việc bán hàng hay nâng cao năng suất lao động.

Liệu có phải do thị trường khó khăn khiến tiêu thụ thép giảm mạnh, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của VNS? Nguyên nhân không hẳn như vậy nếu nhìn sang Hòa Phát, một doanh nghiệp tư nhân từng đứng sau VNS rất nhiều năm. Quý I năm nay, Hòa Phát đạt 6.576 tỷ đồng doanh thu và 910 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng 29% và 41% so với kế hoạch năm 2014. Theo lãnh đạo của Hòa Phát, kết quả này là nhờ mảng thép duy trì lợi nhuận ổn định, 3 tháng đầu năm Hòa Phát tiêu thụ được gần 200.000 tấn thép xây dựng, tăng 27% so với cùng kỳ, thị phần tăng 1,8% so với cuối năm 2013. Sản phẩm ống thép còn khả quan hơn khi sản lượng bán hàng quý I vượt tới 30% so với cùng kỳ 2013.

Như vậy có thể thấy, lý do khiến VNS làm ăn bết bát chính là những yếu kém nội tại của tổng công ty này. Thứ nhất, mô hình công ty mẹ vừa trực tiếp quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, vừa quản lý các danh mục đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết đã làm giảm tính chủ động của đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ứng chậm với tín hiệu thị trường luôn thay đổi. Đặc biệt, công ty mẹ phải gánh chịu mọi rủi ro của đơn vị sản xuất trực tiếp (gánh toàn bộ số lỗ của Thép Miền Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ… với khoản trích lập gần 400 tỷ đồng). Đến cuối năm 2013, VNS phải thu từ các khoản thanh toán hộ 69 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự phòng phải thu khách hàng lên tới 505 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn khó đòi. Lỗ lớn, không có nguồn chi nên nguồn lực để xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách chung về sản phẩm, thị trường, thương hiệu, nghiên cứu và phát triển, đầu tư tài chính bị coi nhẹ. Trong khi các đối thủ của VNS có ngân sách mạnh cho lĩnh vực này.

Thứ hai, hệ thống bán hàng của VNS có nhiều quy định, chính sách nhưng hiệu quả kém, gây ra cạnh tranh nội bộ. Năm 2013, ban lãnh đạo VNS ban hành tới 22 nghị quyết, 50 quyết định, 90 công văn, nhưng kết quả là doanh nghiệp vẫn lỗ nặng. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương nhận xét: “Ban hành nhiều công văn, giấy tờ nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ nặng, chứng tỏ khâu thực thi tại VNS có vấn đề, có sự xuề xòa, dễ dãi. Nếu thực hiện nghiêm thì VNS đã không lỗ trong năm 2013″.

Lối thoát nào?

Dù đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, song Nhà nước vẫn chiếm 94% vốn tại VNS, bởi vậy chính lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp này vẫn được cơ quan quản lý ngành ưu ái hơn so với doanh nghiệp tư nhân. VNS lỗ lớn, Bộ Công Thương có trách nhiệm một phần, đó sẽ là lý do để VNS luôn được ưu tiên giải quyết, tháo gỡ khó khăn (nếu có). Bởi vậy, không thể đổ lỗi cho sự thua lỗ tại tổng công ty này là do nguyên nhân khách quan.

Ông Quân cho rằng, với VNS, “mô hình quản lý phải chặt chẽ như công ty tư nhân mới hy vọng chấm dứt được lỗ”. Điều này hàm nghĩa VNS đang yếu về quản trị, chỉ đạo, kiểm soát, điều hành. Để giải quyết vấn đề này, sau khi thay tổng giám đốc, tại ĐHCĐ 2014 mới đây, HĐQT VNS cho biết, sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động của công ty mẹ hiện nay (vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh và quản lý đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết) sang mô hình công ty mẹ không trực tiếp thực hiện sản xuất và kinh doanh. Đồng thời tách 2 công ty sản xuất thép Miền Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ (2 doanh nghiệp lỗ nặng) thành doanh nghiệp độc lập. VNS sẽ “tuyên chiến” với căn bệnh dựa dẫm vốn tồn tại bấy lâu trong hệ thống bằng cách khoán chi phí và kinh doanh cho các công ty con, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trực thuộc.

VNS cũng tổ chức lại cơ quan của công ty mẹ theo hướng công ty mẹ chỉ có một trụ sở chính tại Hà Nội, thành lập Văn phòng đại diện tại TP.HCM, thực hiện sắp xếp nhân sự của các ban nghiệp vụ như chuyển Ban thị trường về Công ty Thép Miền Nam; chuyển Ban kinh doanh thép tấm lá về Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ…

VNS cũng sẽ tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp, hạng mục đầu tư dở dang như: Dự án 2 của Gang thép Thái Nguyên và nghiên cứu các nguồn quặng sắt phục vụ cho luyện kim…

Với mục tiêu cắt lỗ, năm 2014, VNS đặt kế hoạch thấp với doanh thu 12.702 tỷ đồng và lợi nhuận gần 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, nếu không quyết liệt thay đổi toàn bộ hệ thống quản trị doanh nghiệp và cơ chế điều hành để công tác sản xuất, bán hàng hiệu quả hơn mà chỉ chú trọng vào việc cắt giảm chi phí hoạt động, VNS sẽ khó thoát lỗ.

Nhìn ở góc độ khác, chủ sở hữu vốn Nhà nước là Bộ Công Thương phải tạo áp lực và đặt ra trách nhiệm cho Hội đồng quản trị VNS trong việc giám sát thực thi quá trình chuyển đổi này. Tình trạng thua lỗ của VNS cũng là bài học về đổi mới doanh nghiệp, bởi tuy cổ phần hóa song tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn quá lớn, không có nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, khiến cho động lực và sức ép đổi mới trong doanh nghiệp không có, quản trị doanh nghiệp vẫn trong cảnh “bình mới, rượu cũ”. Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhiều tập đoàn thép lớn trên thế giới đã đặt vấn đề trở thành cổ đông chiến lược của VNS. Tuy nhiên, đến thời điểm này VNS lỗ lớn khiến cho nhà đầu tư không còn quan tâm nữa. VNS đã phải tạm dừng việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.