Sửa Luật Doanh nghiệp: Để kinh doanh được “tung cánh”

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) luôn có sự “biến hóa” theo những biến động của nền kinh tế, vì thế, pháp luật về kinh doanh cũng phải có những thay đổi để phù hợp hơn.

25/11/2019 14:05

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) luôn có sự “biến hóa” theo những biến động của nền kinh tế, vì thế, pháp luật về kinh doanh cũng phải có những thay đổi để phù hợp hơn.

Dự án Luật DN (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận được kỳ vọng sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn cho DN hoạt động.

Độ “mở” của kinh doanh

Luật DN 2014 hiện nay được ban hành dựa trên nền tảng của Luật DN 1999 và 2005. Trải qua 20 năm, Luật DN 2014 được đánh giá là có những cải cách theo hướng tốt hơn, như: Quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện, bỏ ghi ngành nghề kinh doanh, bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu... Các DN đều đánh giá, quyền tự do kinh doanh đã được bảo đảm, giảm chi phí tuân thủ và tăng mức độ an toàn trong kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: Dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng… Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống.

Đánh giá về việc thực hiện Luật DN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tuân thủ đúng pháp luật kinh doanh ở Việt Nam là một thách thức trong bối cảnh mỗi năm có khoảng 20 luật được Quốc hội ban hành, ngoài ra khoảng 100 nghị định, 600-700 thông tư và hàng nghìn công văn điều hành… Chính vì thế, quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì” còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn là việc phải bàn. Điều này đã làm hạn chế việc mở ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lấy một ví dụ về việc tuân thủ pháp luật kinh doanh trong một lĩnh vực mới là dịch vụ chia sẻ phòng. Mô hình này phải tuân thủ một số quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh như Luật DN (2014) và các quy định pháp luật chuyên ngành khác như Luật Du lịch (2017), Luật Nhà ở (2014) cùng nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn liên quan. Đây có thể được xem là sự đổi mới rất tích cực của các bộ luật trong việc “đuổi kịp” các mô hình của kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, để có sự tuân thủ pháp luật chặt chẽ đúng quy trình đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ thì cần có sự phối hợp tích cực của các bên tham gia trong việc kê khai, cung cấp thông tin. Rõ ràng, nhiều loại hình kinh doanh mới nổi lên đã cho thấy sự “lúng túng” của các cơ quan quản lý, hoặc là không biết quản lý như thế nào, hoặc là quản lý theo cách “bó hẹp” bằng quy định, trong khi các loạt hình kinh doanh này đan xen và giao thoa với các hoạt động kinh doanh truyền thống, cũng như giữa chức năng của các bộ, ngành với nhau.

Về phía quy định liên quan đến DN nhà nước tại Luật DN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) cho rằng, nếu so sánh với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì thực trạng quản lý DN nhà nước tại Việt Nam dù đã làm, đã nỗ lực nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Cụ thể là, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã được thành lập; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu...

Từ những hạn chế này, Luật DN mới đòi hỏi phải có những đổi mới, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với thực tế, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt, đẩy mạnh quyền tự do kinh doanh. Vì thế, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận đã có nhiều thay đổi lớn như đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động DN nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh… Việc sửa đổi này dựa trên nguyên tắc là tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật DN trước đây theo nguyên tắc DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

Đừng để “lách” luật

Một vấn đề nổi lên nhất khi bàn bạc xây dựng Luật DN là việc đưa hộ kinh doanh vào luật với kỳ vọng sẽ khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Theo đó, dự luật sẽ thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Điều này đã và đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia bởi hộ kinh doanh có phương thức kinh doanh rất đặc thù.

Về vấn đề này, một DN đã chia sẻ là đang sở hữu cả DN và hộ kinh doanh, nhưng sử dụng DN để giao thương, ký kết hợp đồng, còn hộ kinh doanh để thực hiện sản xuất, do chi phí hoạt động của hộ kinh doanh thấp hơn, phí thuế phải đóng ít hơn và ít chịu sự kiểm soát, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý. Do vậy, Luật DN 2014 yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập DN. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi) cho rằng đây là quy định có tính ép buộc hành chính, nên phải sửa luật theo hướng thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, nghĩa là thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của khu vực này với nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh cũng chưa hẳn muốn lên thành DN, bởi lên DN họ sẽ phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn về thống kê, kế toán, thuế, bảo hiểm xã hội… chưa kể, họ sẽ có “cơ hội” tiếp các đoàn thanh kiểm tra nhiều hơn. Đây là những vấn đề mà một DN thực thụ cũng đang rất khó khăn. Bởi theo các chuyên gia, pháp luật của Việt Nam còn nhiều bất định, còn tình trạng “sáng đúng, chiều sai”, thậm chí đúng sai tùy vào tâm trạng người thực thi. Điều này vô hình trung là miếng đất cực kỳ màu mỡ cho thanh kiểm tra và là nguồn gốc của những rủi ro, quan liêu, tham nhũng, vi phạm tuân thủ luật pháp ở Việt Nam. Chính vì thế, không ít DN cho biết, họ hoạt động tuân thủ pháp luật nhưng bất đắc dĩ vẫn phải “lách” luật để kinh doanh được thuận lợi hơn.

Từ thực trạng này, điều cần làm là pháp luật về kinh doanh nói chung và Luật DN nói riêng phải có sự cải cách nhưng dựa trên sự kết hợp với nhiều vấn đề liên quan khác, để tạo thành hệ thống thể chế thân thiện thị trường, vì DN và thúc đẩy phát triển. Theo ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, công tác làm luật phải bám sát thực tiễn nhưng bên cạnh đó phải có tính ổn định của luật pháp. Tính ổn định này sẽ giúp pháp luật có thể dễ dự đoán hơn, tạo sự thống nhất trong các quy định để tránh sự lạm quyền. Ngoài ra, Luật DN không phải giữ ổn định bằng một “chiếc áo” chật hẹp mà cần lựa chọn theo những nguyên tắc cốt lõi như: Nguyên tắc về quyền sở hữu DN, quyền và nghĩa vụ của DN, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhà đầu tư tiếp cận thị trường, bảo vệ cổ đông thiểu số…

Tất nhiên, việc sửa đổi Luật DN là sự bao trùm của rất nhiều vấn đề nên phải được thực hiện trên tư duy và cái tâm của người làm luật, trên cơ sở nắm bắt được những thay đổi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có những quy định sát thực tế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.