Sửa đổi luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành vẫn còn nhiều kẽ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng tham nhũng của công, làm ảnh hưởng sự phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng về Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), chính là để góp phần củng cố hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh để PCTN.

22/07/2016 09:46

Trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành vẫn còn nhiều kẽ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng tham nhũng của công, làm ảnh hưởng sự phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng về Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), chính là để góp phần củng cố hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh để PCTN.

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự thảo luật này là dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về PCTN và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN hiện hành. Việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tác động đến sự ổn định, phát triển của đất nước.

Mục đích sửa đổi toàn diện Luật PCTN là nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; sửa đổi, bổ sung những quy định mà qua thực tiễn công tác PCTN cho thấy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; lựa chọn các vấn đề sửa đổi, bổ sung có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước chuyển thực chất trong công tác PCTN. Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật PCTN (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác liên quan; bảo đảm tính khả thi của luật; tiếp tục có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.

Theo Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, các nội dung cơ bản tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) gồm 10 chương với 118 điều; bổ sung đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Cơ bản giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng như quy định hiện hành, tuy nhiên có rà soát và điều chỉnh một số hành vi cho phù hợp. Dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng là: “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập” với nhiều quy định mới, có tính đột phá nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch. Bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định mới về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; mô hình cơ quan, tổ chức PCTN, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của xã hội…

Các quy định mới tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được nhiều đại biểu đánh giá cao, đồng thời bổ sung, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất về phạm vi áp dụng, việc xử lý tài sản kê khai không minh bạch; vai trò của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong PCTN; cơ cấu tổ chức của cơ quan PCTN trong trường hợp phát hiện dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan khi xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan cán bộ quản lý. Nhiều đại biểu cảnh báo về “độ vênh” theo quy định của Bộ Nội vụ về biên chế của thanh tra địa phương đối với khối lượng công việc, trong đó có thêm nhiệm vụ PCTN theo Dự thảo trong thời gian tới.

Đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, khi đối tượng không giải trình về tài sản phát sinh đúng quy định thì cần có quy định chuyển cơ quan điều tra để làm rõ nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ngoài ra, cần thể chế hóa trong Dự thảo về thành lập Ban Nội chính tại các địa phương do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về PCTN.

Đại diện Thanh tra tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần quy định rõ về tổ chức họp báo về thông tin tham nhũng trong Dự thảo để thuận lợi cho địa phương khi vận dụng, cũng như cần làm rõ khái niệm đo lường tham nhũng, quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong quy định định mức chi tiêu trong cơ quan, tổ chức. Về cơ chế bảo vệ người tố cáo, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, nhiều công dân, công chức muốn tố cáo hành vi tham nhũng nhưng vẫn còn e ngại vì sợ bị đe dọa, trả thù, trù dập. Do đó, cần bổ sung quy định cơ quan chức năng phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng, vì hiện nay nhiều đơn tố cáo tham nhũng có cơ sở, nhưng công dân không dám ký tên.

Đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Dương đề xuất cần quy định chi tiết hơn về người có quyền hạn trên cơ sở đối chiếu với Công ước của Liên hợp quốc để thuận lợi trong xác định chủ thể có hành vi tham nhũng. Để bảo đảm mục tiêu PCTN theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần có thêm nhiều hội thảo sâu hơn nhằm bàn phương án thành lập cơ quan độc lập để tạo sự đột phá trong công tác này vì tham nhũng rất phức tạp, có nhiều đặc thù trong điều kiện mỗi cơ quan hiện tại đang gặp những bất cập trong thực hiện pháp luật trong PCTN. Nên chăng cần mở rộng quyền tiếp cận của công dân tại nơi cư trú của cán bộ phụ trách các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để cộng đồng giám sát…

Theo Thanh tra Chính phủ, các ý kiến đóng góp về nhiều nội dung liên quan đến Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được tổng hợp, xem xét bổ sung các quy định của Dự thảo để báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9-2016. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến…