“Siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước: Có đủ năng lực quản lý các “ông lớn”?

Với việc sẽ quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất nước, liệu “siêu ủy ban” được thành lập theo đề xuất của của Bộ Kế hoạch – đầu tư có quản lý tốt hơn vốn tại các doanh nghiệp nhà nước?

19/07/2016 08:43

Với việc sẽ quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất nước, liệu “siêu ủy ban” được thành lập theo đề xuất của của Bộ Kế hoạch – đầu tư có quản lý tốt hơn vốn tại các doanh nghiệp nhà nước?

12/30 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.

Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.

Tại danh sách này, Bộ Công Thương có 12 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Và các Tổng công ty là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapago), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).

Bộ Giao thông vận tải với 5 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 5 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Danh sách các doanh nghiệp nằm trong “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước

Bộ Xây dựng với 3 Tổng công ty: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).

Bộ Tài chính với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Bảo Việt (Baoviet Holdings).

Bộ Thông tin truyền thông với 2 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).

Bộ Y tế chỉ có một Tổng công ty là Tổng công ty Dược Việt Nam.

Theo kế hoạch, Bộ KH-ĐT sẽ đưa dự thảo ra lấy ý kiến người dân, các DN, tập đoàn kinh tế cũng như các bộ ngành trong 30 ngày và dự kiến sẽ trình Chính phủ để xem xét thông qua ngay trong quý 3/2016.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN nhà nước sẽ rõ hơn?

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho rằng “hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu”. Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước hiện chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực…

Trả lời câu hỏi liệu “siêu bộ” này có đủ năng lực quản lý các “ông lớn” trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, ông Phạm Đức Trung – trưởng ban nghiên cứu phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM – đơn vị được giao trực tiếp soạn thảo nghị định) cho biết ban soạn thảo nghị định đã thảo luận và tính toán kỹ. Theo đó, sẽ có các cơ chế, chính sách về tiền lương để thu hút được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về quản lý DN về ủy ban. Ngoài ra, các cán bộ từ chính các bộ ngành đang quản lý DN cũng sẽ được xem xét đưa về ủy ban.

Ông Nguyễn Tú Anh – Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM) cho biết, khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quan và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ quản lý ngành hiện nay là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, việc thành lập Ủy ban là nhằm thực hiện theo chủ trương được đưa ra từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Cũng có ý kiến lo ngại một Ủy ban được thành lập có thể làm tăng thêm cơ quan quản lý mà lại không hiệu quả do Bộ chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn, song ông Tú Anh cho rằng mô hình này ở thế giới đã triển khai và thành công. Do vậy, việc thành lập một Ủy ban quản lý vốn và tài sản các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là có thể thực hiện được, song đòi hỏi quyết tâm rất lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi trả lời báo giới, bà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bà đồng tình việc cần có cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN. Tôi cho rằng lập một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN, tách các doanh nghiệp khỏi các bộ chủ quản hiện nay là tích cực. Tuy nhiên, làm thế nào thì đúng là không đơn giản, bởi bên cạnh cái được cũng có cả nguy cơ. Việc đề nghị thành lập một ủy ban, theo tôi, cần tính kỹ. “Tạo ra một cơ quan quản lý vốn tại DNNN sẽ không khó bằng tạo cơ chế và tổ chức, vận hành nó làm sao cho hiệu quả. Cơ chế phải cực kỳ minh bạch, công khai để xã hội giám sát được, từ đó mới có thể dẫn đến hiệu quả” – chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, ngăn chặn các trường hợp nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ…

Siêu Ủy ban sẽ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý Nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đồng thời, chịu sự giám sát, đánh giá của Chính phủ, Quốc hội, cơ quan liên quan, nhân dân và báo chí, truyền thông…

Nhiệm vụ của Ủy ban này sẽ là thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN; cơ cấu vốn nhà nước đầu tư; xây dựng danh mục đầu tư…