Sẽ thêm cách mới để thoái vốn Nhà nước

Cơ chế chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần quy định tại Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đang bộc lộ bất cập dẫn đến “làm khó” cho nhà nước khi thoái vốn, không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần.

28/06/2017 15:12

Cơ chế chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần quy định tại Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đang bộc lộ bất cập dẫn đến “làm khó” cho nhà nước khi thoái vốn, không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần.

Theo quy định hiện hành, đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM, việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Quy định trên đang gây khó cho hoạt động thoái vốn, đồng thời đánh mất đi cơ hội thoái vốn được giá cao cho cổ đông nhà nước, bởi khi có cơ hội bán vốn giá cao (vượt ngoài biên độ giao dịch của cổ phiếu trên sàn), cổ đông nhà nước vẫn không thể thực hiện được do vướng quy định tại Nghị định 91/2015.

Từ thực tiễn tư vấn thoái vốn, phản ánh của công ty chứng khoán cho thấy, trước khi có Nghị định 91/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận cho phép bên bán vốn được phép giao dịch thỏa thuận ngoài biên độ giá với bên mua, nên mang lại lợi ích cao cho Nhà nước.

Thế nhưng, kể từ khi Nghị định 91/2015 có hiệu lực từ ngày 1/12/2015, UBCK không chấp nhận cho các đơn vị bán vốn theo phương thức này mà phải triển khai thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận, mức giá phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Bất cập trên đã được phản ánh tới Bộ Tài chính và sự lắng nghe của cơ quan này được thể hiện tại dự thảo sửa đổi Nghị định 91/2015, mà Bộ vừa công khai lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, để tháo gỡ bất cập trong việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm một phương thức chuyển nhượng vốn là tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch, bên cạnh 2 phương thức hiện hành là khớp lệnh và thỏa thuận.

Riêng việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.

Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Nếu chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận...

Trong đó, phương thức đấu giá công khai thực hiện theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình tài chính của công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, nhu cầu của thị trường, mục tiêu và điều kiện chuyển nhượng vốn, lựa chọn phương thức đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô trước khi tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước.

Nếu đề xuất sửa đổi cơ chế thoái vốn như trên của Bộ Tài chính được Chính phủ đồng ý ban hành, thì sẽ giúp cho hoạt động thoái vốn của nhà nước diễn ra theo hướng thuận mua vừa bán theo cơ chế thị trường hơn, qua đó hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

Từ đó không chỉ gia tăng tính đại chúng cho các công ty cổ phần, doanh nghiệp niêm yết, mà còn góp phần thúc đẩy tiến độ thoái vốn nhà nước.