Sản xuất thép từ bùn đỏ sắp triển khai thực tế

Kết quả thử nghiệm ở quy mô công nghiệp sản xuất thép từ bùn đỏ (bã thải của quá trình khai thác, sản xuất quặng bauxite khu vực Tây Nguyên) hứa hẹn một hướng đi nâng cao hiệu quả của ngành khai thác alumin cũng như xử lý tốt hơn vấn đề môi trường của dự án.

15/04/2014 09:52

Kết quả thử nghiệm ở quy mô công nghiệp sản xuất thép từ bùn đỏ (bã thải của quá trình khai thác, sản xuất quặng bauxite khu vực Tây Nguyên) hứa hẹn một hướng đi nâng cao hiệu quả của ngành khai thác alumin cũng như xử lý tốt hơn vấn đề môi trường của dự án.

Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã đến Hải Phòng, Hải Dương thị sát việc thử nghiệm ở quy mô công nghiệp công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với 1 doanh nghiệp thép tư nhân - Công ty CPTM Thái Hưng, thực hiện.

Chương trình này đã được Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các đơn vị từ đầu năm 2013 với thời hạn khoảng 3 năm, tuy nhiên các đơn vị đã nỗ lực để hoàn thành và cho kết quả sớm hơn nhiều so với dự định.

Theo báo cáo của các đơn vị thực hiện, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới (như Australia, Hungary…). Cụ thể, hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy alumin Lâm Đồng dao động từ 35,8-40% (tính theo Fe) và từ 51,1-56,3% (tính theo Fe2O3), được coi là tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra mẫu bùn đỏ đầu dây chuyền.

Đoàn công tác đã xem xét dây chuyền công nghệ thiêu kết hợp với nghiền và tuyển từ - được đánh giá có hiệu quả kinh tế khi tiêu tốn năng lượng thấp. Tại dây chuyền, bùn đỏ ướt được tách bằng kỹ thuật lọc áp suất cao nhằm tách phần lớn dung dịch ra khỏi bùn đỏ. Phần dung dịch sau khi tách được tái sử dụng trong chu trình Bayer. Bùn đỏ khô được nghiền mịn và trộn với than, đôlômit và chuyển lên dây chuyền thiêu kết sử dụng khí hóa than dư của lò cao luyện gang.

Mẫu bùn đỏ sau thiêu kết được nghiền mịn và tuyển từ để thu hồi tinh quặng sắt - nguyên liệu cho sản xuất gang hoặc sắt xốp bằng công nghệ thông thường. Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp này đạt tiêu chuẩn mác thép SD 390 Nhật Bản.

Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (đơn vị triển khai đề án), cho biết, tháng 6 tới sẽ có thể kết thúc đề tài thử nghiệm quy mô công nghiệp để chuyển sang nghiên cứu tiền khả thi triển khai dự án trên thực tế.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, thay mặt các nhà khoa học đánh giá kết quả dự án trong buổi làm việc.

Xem xét các báo cáo, đánh giá về kết quả thực tiễn của dây chuyền thử nghiệm, các ý kiến trong đoàn công tác đánh giá cao dự án.

Cùng tham dự chuyến thị sát có nhiều nhà khoa học đầu ngành, đại diện là Giáo sư-Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu. GS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, đây là một đề tài hiệu quả về nhiều mặt, có tính đột phá đặc biệt đối với vấn đề phát triển bền vững của ngành công nghiệp khoáng sản. Vấn đề cần tính toán kỹ là hiệu quả kinh tế, các cơ chế để công nghệ được hoàn thiện, triển khai khả thi trên thực tế.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thái Hưng (đơn vị nhận thử nghiệm), cho biết thời gian qua, Nhà máy đã tiến hành sản xuất trên quy mô công nghiệp (mẻ từ 40-200 tấn bùn đỏ). Tính toán ban đầu về chi phí cho thấy từ 2,4 tấn bùn đỏ khô sẽ thu được 1 tấn tinh quặng sắt 62% (giá trị khoảng 1,9 triệu đồng/tấn, trong khi chi phí khoảng 1,4 triệu đồng/tấn).

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm quy mô công nghiệp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là rất đáng khích lệ, thành công trong việc đưa ra hướng xử lý có hiệu quả đối với bùn đỏ - lượng bã thải, vướng mắc lớn trong vấn đề môi trường khi thực hiện chủ trương khai thác, chế biến bauxite ở nước ta.

Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị thực hiện tiếp tục hoàn thiện thêm về công nghệ, tiến hành nghiệm thu theo quy định để bước sang giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trên cơ sở dự án được báo cáo, Chính phủ sẽ xem xét các cơ chế hỗ trợ phù hợp để dự án có thể triển khai hiệu quả, phát huy được những lợi ích tổng thể trong ngành khai thác, sản xuất alumin-nhôm, từ việc giảm trừ chi phí xử lý hồ bùn đỏ, chi phí các sản phẩm phụ thu hồi và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét về cơ chế, thủ tục để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, cùng tính toán, đánh giá về tính khả thi, hiệu quả kinh tế trên thực tế.

Một số hình ảnh trong dây chuyền công nghệ của dự án:

Dây chuyền tách bùn đỏ bằng kỹ thuật lọc áp suất cao.

Một trong những công đoạn xử lý tinh lọc bùn đỏ.

Thu hồi quặng sắt từ bùn đỏ.