RCEP: Cơ hội để hội nhập kinh tế khu vực

Nếu Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) kết thúc vào năm 2015 thì sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác.

25/10/2014 21:26

Nếu Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) kết thúc vào năm 2015 thì sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác.

Tại Hội thảo quốc tế: “RCEP-Cơ hội và thách thức đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước CLM” do Dự án hỗ trợ chính sách và thương mại châu Âu (MUTRAP) và Trung tâm hỗ trợ Hội nhập WTO TPHCM (HCC-WTO) tổ chức ngày 24/10 tại TPHCM, ông An Thế Dũng, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế cho biết, với dân số trên 3 tỷ người, chiếm 1/2 thị trường toàn cầu và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới, dự kiến RCEP sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO.

Nếu RCEP thành công sẽ mở cửa hơn nữa thương mại hàng hóa và dịch vụ, hủy bỏ những rào cản thương mại và dần tự do hóa các dịch vụ. Đặc biệt, mở rộng hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN, CLMV (hợp tác 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện nay, ASEAN đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị kim ngạch 2 chiều năm 2013 là 40,1 tỷ USD, sau Trung Quốc (50,21 tỷ USD). Bên cạnh đó, khu vực ASEAN+6 (gồm Đông Á và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia) là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao từ 49,7 tỷ USD (năm 2006) lên 154,1 tỷ USD (năm 2013), với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 17,5%. Đông Á cũng đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch trên 58 tỷ USD năm 2013, tương đương 44% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đồng thời, Đông Á đang là khu vực có mức đầu tư lớn vào Việt Nam với 124 tỷ vốn đăng ký và 39,4 tỷ USD vốn hiện thực, chiếm lần lượt 54% và 50,1% tổng vốn đăng ký và vốn hiện thực. Mặt khác, Đông Á cũng là khu vực mà Việt Nam đang nỗ lực hội nhập kinh tế trong giai đoạn vừa qua thông qua các hiệp định thương mại đã và đang ký kết.

Cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo ông An Thế Dũng, khi RCEP được ký kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình nỗ lực hội nhập ASEAN, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định phát triển kinh tế; đồng bộ hóa các FTA hiện có giữa ASEAN với các đối tác nhằm giảm tối đa sự khác biệt về quy tắc thực thi các FTA; xây dựng gói cam kết chung về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.

Cụ thể, RCEP sẽ tạo cơ hội cải thiện cơ cấu, tăng giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Đông Á và thúc đẩy tỷ lệ khai thác các Hiệp định FTA với khu vực này. Bên cạnh đó, do mức thuế nhập khẩu thấp hơn nên RCEP sẽ giúp các DN Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào các thị trường khu vực và nguyên liệu nhập khẩu từ toàn khu vực sẽ được cộng gộp khi tính toán xuất xứ của hàng hóa. Do đó, phần lớn hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi của hiệp định, từ đó tạo điều kiện tích cực cho khai thác và mở rộng thị trường.

Đồng thời, việc thực hiện nghiêm túc các cam kết của RCEP sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh minh bạch hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh Đông Á đang trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động hàng đầu, các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển đầu tư sang những nước có chi phí nhân công hợp lý như Việt Nam. Vì vậy, RCEP sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ đó góp phần cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế nước ta theo hướng tích cực.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Viện nghiên cứu Chiến lược Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho rằng, khi được ký kết, RCEP sẽ đem đến cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nhiều cơ hội. Theo đó, các nước trong khu vực sẽ mở rộng thị trường du lịch quốc tế cho Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng mở cửa thị trường du lịch cho các nước trong nội khối. Khi đó, du lịch Việt Nam có điều kiện mở rộng trao đổi khách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh du lịch quốc tế, cắt giảm chi phí tổ chức tour, hạ giá thành, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.

Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội mà RCEP sẽ đem lại, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án EU-MUTRAP cho rằng, Việt Nam cũng cần nhận diện trước những thách thức mà RCEP có thể đem lại cho sự phát triển kinh tế. Theo đó, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Cụ thể, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh của Trung Quốc các mặt hàng may mặc, giày dép, và gạo sang Nhật Bản; các mặt hàng chăn nuôi, thức ăn và dệt may sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các nước CLMV nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chịu nhiều thua thiệt, bất lợi khi cạnh tranh với các nước phát triển hơn trong RCEP.