Quy định về lãi suất đã lỗi thời

Quy định hiện hành về lãi suất đã thể hiện sự lỗi thời và bộc lộ những bất cập rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng ngoài thực tiễn. Do vậy trong dự thảo Bộ luật dân sự, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định này.

08/01/2015 08:47

Quy định hiện hành về lãi suất đã thể hiện sự lỗi thời và bộc lộ những bất cập rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng ngoài thực tiễn. Do vậy trong dự thảo Bộ luật dân sự, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định này.

Theo hiện hành quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” (Điều 476 Bộ luật dân sự).

Cơ quan soạn thảo Bộ luật dân sự sửa đổi cho rằng, đây là quy định cứng nhắc, không thực tế và không phản ánh đúng quy luật cung - cầu của thị trường.

Bởi trong lĩnh vực ngân hàng, lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Trong khi đó, tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định lãi suất cho vay căn cứ vào lãi suất huy động.

Thực tế khi các TCTD phải huy động vốn với lãi suất cao thì bắt buộc cũng phải ấn định lãi suất cho vay tương ứng.

Những năm vừa qua, nhiều trường hợp TCTD phải ấn định lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản cho phù hợp với lãi suất huy động.

Mặc dù có sự thỏa thuận giữa khách hàng và TCTD, khả năng hợp đồng tín dụng bị Toà án tuyên vô hiệu là rất lớn. Điều này tạo căn cứ pháp lý nếu khách hàng của TCTD không thiện chí, không muốn trả lãi sau thời gian đã sử dụng vốn vay, gây rủi ro hoạt động và thiệt hại cho các TCTD.

Ngược lại, với lãi suất thị trường, hệ thống ngân hàng có nhiều cơ hội huy động vốn tốt hơn, tạo ra nguồn lực bền vững để đáp ứng các nhu cầu tín dụng đa dạng cho doanh nghiệp với các mức lãi suất cạnh tranh...

Bên cạnh đó, quy định về cách xác định mức lãi suất phạt quá hạn cũng chưa rõ ràng. Cụ thể, Điều 474 BLDS “trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này chưa rõ ràng dẫn đến có hai cách hiểu khác nhau.

Một là, khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

Trường hợp để nợ quá hạn thì bên nợ còn phải trả thêm lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Theo đó, lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất trong hạn cộng với lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Hai là, lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cơ bản của NHNN. Theo đó, lãi suất nợ quá hạn tối đa mà TCTD được phép áp dụng đối với khách hàng vay là lãi suất cơ bản.

Như vậy, khi NHNN công bố lãi suất cơ bản, nếu mức lãi suất phạt quá hạn được áp dụng theo cách hiểu thứ hai (bằng lãi suất cơ bản do NHNN), thì hoạt động kinh doanh của các TCTD có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì: Thứ nhất, mức lãi suất quá hạn mà các TCTD được phép áp dụng thấp hơn so với lãi suất cho vay tối đa trong hạn; Thứ hai, mức lãi suất phạt quá hạn thấp hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của các TCTD; Thứ ba, quy định nêu trên của BLDS khuyến khích các khách hàng vay không trả nợ đúng hạn để được hưởng mức lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường nếu khách hàng trả nợ đúng hạn và vay khoản nợ mới của các TCTD.

Bộ Tư pháp cho rằng, cơ chế lãi suất quá hạn theo quy định của BLDS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các TCTD và có thể cản trở hoạt động cho vay bình thường của cả hệ thống TCTD.

Từ phân tích trên Bộ Tư pháp đánh giá, quy định về lãi suất trong BLDS hiện hành đã thể hiện sự lỗi thời và bộc lộ những bất cập rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng ngoài thực tiễn, chưa phát huy được vai trò là đạo luật chung điều chỉnh các quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự, trong đó có các quy định liên quan đến lãi suất.

Đặc biệt, việc quy định lãi suất cứng nhắc vô hình chung đã khuyến khích bên không thiện chí trong hợp đồng vay vi phạm nghĩa vụ trả tiền của mình do việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ sẽ có lợi hơn việc thực hiện đúng nghĩa vụ, tạo nên những “rào cản” không đáng có cho sự phát triển của thị trường vốn, tiền tệ và các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh khác có liên quan.

Chính vì vậy, tại Điều 491, dự thảo Bộ luật dân sự, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi quy định về lãi suất như sau: “Lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định, nếu không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Theo Bộ Tư pháp, quy định này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm quy định của BLDS về lãi suất trong hợp đồng vay là điều khoản chung, có tính bao quát, khả thi, ổn định; tạo cơ chế về lãi suất để khuyến khích bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tuân thủ và kỷ luật hợp đồng trong giao lưu dân sự; bảo đảm hài hòa với mục đích quy định lãi suất là một trong những công cụ để điều tiết nền kinh tế, đặc biệt đối với thị trường vốn, tiền tệ và các mục đích kinh tế, xã hội khác.