Pomina bao giờ hết lỗ?

Chuyện thua lỗ của ngành thép lẫn Công ty cổ phần Thép Pomina đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Vấn đề bây giờ là: bao giờ Pomina hết lỗ?

09/07/2014 13:58

Chuyện thua lỗ của ngành thép lẫn Công ty cổ phần Thép Pomina đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Vấn đề bây giờ là: bao giờ Pomina hết lỗ?

Tháng 7/2009 nhà máy Pomina 3 được khởi công xây dựng với mứcc đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, công suất luyện 1 triệu tấn phôi/năm và cán nửa triệu tấn thép xây dựng mỗi năm.

Thuyền lớn, sóng lớn

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thép Việt – cổ đông lớn nhất của Pomina (POM), lý giải về quyết định đầu tư táo bạo của mình: lúc thị trường chao đảo trong cơn khủng hoảng là thời điểm tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ tuyệt vời nhất.
Năm 2012, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, giúp POM tự chủ phần lớn nguyên liệu đầu vào, nhưng lại đặt ra bài toán mới về hiệu quả kinh doanh với ông Thái. Cụ thể, từ khi hoạt động năm 2012, POM đã được đánh giá là chưa hiệu quả. Năm 2013, POM lỗ gần 220 tỷ đồng, quý 1/2014 cũng vẫn chưa thoát lỗ.

Nhà máy có công suất lớn, lại đầu tư công nghệ hiện đại nên trong thời gian đầu hoạt động chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận là chuyện thường thấy.

Còn Công ty Chứng khoán Sacombank thì đánh giá khoản lỗ gần 220 tỷ đồng năm 2013 của POM đến từ chi phí tài chính tăng và chênh lệch tỉ giá. Báo cáo tài chính năm 2013 của POM cũng ghi nhận khoản lãi vay lên đến 236 tỷ đồng. Thay đổi tỉ giá cũng đóng góp đáng kể vào khoản lỗ của POM.

Bên cạnh yếu tố bất khả kháng trên, POM còn bị lỗ do tập trung cho các công trình lớn. Sản phẩm thép được chia làm hai dòng chính: thép thanh và thép dẹt. POM tập trung sản xuất dòng sản phẩm thép thanh vốn chiếm gần 60% nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu độ ổn định cao về chất lượng.

Năm 2013, thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc. Các công trình lớn, dù là vốn tư nhân hay nhà nước, đều giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ giảm khiến nhà máy của Pomina chỉ chạy được 60% công suất, khiến doanh thu của công ty giảm hơn 15% so với năm 2012.

Ông Thái cũng thừa nhận, POM lỗ còn do yếu tố nội tại chứ không đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan. Trong đó có nguyên nhân giá thép nguyên liệu giảm bất ngờ. Dù có nhà máy sản xuất phôi thép, nhưng nguyên liệu đầu vào là thép phế thì Pomina vẫn phải nhập. Đến cuối tháng 8/2013, giá thép phế ước giảm khoảng 10 -15% so với cùng kì. Do tích trữ hàng từ trước nên khi giá thép phế giảm đã tạo nên áp lực lớn với Pomina khi giá thép thành phẩm cũng giảm theo. “Đó là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát”, ông nhìn nhận.

Hiện tại, bên cạnh gốc độ đầu tư, câu chuyện hiệu quả kinh doanh cũng cần POM giải quyết. Quý 1/2014, POM lỗ gần 6 tỷ đồng, cho thấy khó khăn vẫn đặt ra với những người điều hành POM. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thái, trước mắt vẫn cần chờ thị trường hồi phục.

“Năm 2014, POM định hướng gia tăng xuất khẩu để bù đắp cho tình hình khó khăn của thị trường trong nước. Tỉ trọng xuất khẩu sau 3 tháng đầu năm 2014 đã tăng lên mức 30%, gấp đôi so với cùng kì”, ông Thái cho biết.

Ông Thái chưa dám chắc rằng, năm 2014 này POM sẽ hết lỗ, nhưng thị trường đã có tín hiệu tốt. Sau 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng thép tiêu thụ đã tăng 5%. Theo dự báo, nhu cầu có thể tăng 8% trong năm nay. Đó có thể là tia hi vọng cho bài toán kinh doanh của POM và các doanh nghiệp cùng ngành khác.