Phòng vệ thương mại leo thang, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay gian lận xuất xứ
03/01/2020 16:04
Năm 2019 chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các qui định về chứng nhận xuất xứ.
Xu hướng phòng vệ thương mại ngày một leo thang
Theo Bộ Công Thương, năm 2019 chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới. Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt càng góp phần làm chủ nghĩa bảo hộ lan rộng.
Lí do áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng đa dạng, phong phú, từ mối đe dọa "an ninh quốc gia" dẫn đến tăng thuế nhập khẩu nhôm thép, cho đến vấn đề "bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ" dẫn đến tăng thuế các sản phẩm vi phạm.
Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đang thực hiện nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và sắp tới là EVFTA.
Tính đến tháng 12 năm 2019, đã có 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, các nước này đã tiến hành điều tra 19/20 vụ việc chiếm 95% tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh đã tiến hành với hàng hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biễn hết sức phức tạp, xu thế điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng, đặc biệt khi ta bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA, theo đó EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hàng hóa của ta.
Không tiếp tay hành vi gian lận xuất xứ
Ngày 4/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lí Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
Đề án được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đưa ra các nhiệm vụ, kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chiến lược phát triển bền vững xuất khẩu.
Đồng thời, kết hợp đồng bộ với các đề án chương trình đang triển khai liên quan đến phòng chống gian lận thương mại nói chung và lẩn tránh thuế nhập khẩu nói riêng để tận dụng các nguồn lực cũng như đảm bảo tính tập trung, nhất quán.
Ngoài ra, phương thức thực hiện quản lí chống lẩn tránh được mở rộng theo hướng cả ở cấp trung ương và địa phương; các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động triển khai các kế hoạch phòng tránh.
Bộ Công Thuơng nhận định thực hiện Đề án 824 đã tạo sự chuyển biến rất rõ nét, mạnh mẽ trong công tác ngăn ngừa, phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các qui định về chứng nhận xuất xứ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lí hiện đại để đáp ứng các yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Đồng thời, các doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lí khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh hiện tượng xuất khẩu vào một số thị trường tăng trưởng quá nóng.