Phòng chống tham những: Phải xử lý từ nguyên nhân

“Muốn hạn chế tham nhũng phải xử lý từ nguyên nhân” - đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu góp ý 
cho dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 28-9.

29/09/2016 14:40

“Muốn hạn chế tham nhũng phải xử lý từ nguyên nhân” - đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu góp ý cho dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 28-9.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, thẳng thắn nhận định: “Hiện tượng tham nhũng hiện nay có trên khắp cả nước, từ trung ương đến cơ sở. Nói tham nhũng là đề cập đến cán bộ, đảng viên, công chức có quyền, có vị trí”.

Theo ông Trực, muốn chống tham nhũng thì phải công khai minh bạch tất cả các chính sách của Nhà nước. Giải pháp thứ hai là phải cải cách cơ bản tiền lương. “Lương cơ bản hiện nay không đủ nuôi một người. Không ai sống nổi bằng lương. Chúng ta cần tập trung lớn nhất cho con người chứ không phải cho cơ sở vật chất” - ông Trực nêu ý kiến.

Kiến nghị thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng

Ông Phạm Chánh Trực kiến nghị thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia trực thuộc Quốc hội và thành lập tòa án đặc biệt để xử lý các vụ án tham nhũng.

Ông Trực lý giải: “Hiện nay như quy định tại dự thảo luật thì đầu mối xử lý các vụ việc tham nhũng rất phân tán. Có khi một cơ quan không đủ thẩm quyền để xử lý nên một vụ án kéo dài từ năm này qua năm khác. Chúng ta chỉ cần một ủy ban phòng chống tham nhũng toàn quyền quyết định, nếu cần thiết thì cử ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng ủy ban”.

Vấn đề công khai tài sản của cán bộ công chức để phòng chống tham nhũng được rất nhiều đại biểu đề cập.

Ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhấn mạnh: “Việc kê khai tài sản phải đến từng cán bộ chuyên viên công chức, các đồng chí đừng ngại số lượng nhiều. Tài sản kê khai phải được đưa lên web của cơ quan để mọi người cùng biết và kiểm soát”.

Bên cạnh việc kê khai tài sản, ông Đạo cũng đặt vấn đề về chính sách tiền lương: “Lương không đủ sống nhưng ai cũng chen chân vô làm công chức. Hiện nay có tình trạng công chức xin vào ủy ban phường tốn cả trăm triệu đồng. Vấn nạn chạy chức chạy quyền mọi người biết hết nhưng không ai phát hiện được vì người ta... thuận mua vừa bán. Cho nên chúng ta phải nghiên cứu làm sao để việc tuyển dụng công chức cho phù hợp”.

Theo ông Trần Du Lịch - nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc xây dựng giải pháp phòng chống tham nhũng phải đi từ nguyên nhân.

Ông Lịch chỉ ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại: “Đó là cơ chế tuyển dụng, chạy chức chạy quyền. Nếu không tham nhũng thì lấy gì để chạy. Đó là cơ chế bao che cho nhau. Đó là chế độ công vụ không rõ ràng, một vụ việc xảy ra không biết thuộc trách nhiệm cơ quan nào. Vấn đề nữa là tình trạng các công ty sân sau của lãnh đạo, luật chưa quy định rõ. Còn muốn chống nhũng nhiễu phải cải cách lương. Muốn tăng lương thì phải cải cách hành chính đồng bộ. Nền hành chính công chồng chéo thì không thể tăng lương. Để giảm thiểu tham nhũng thì cần phải xử lý các nguyên nhân một cách bài bản”.

Quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

Một điểm mới của dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có trách nhiệm quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...

Theo luật sư Trương Thị Hòa, trong các chế tài chính trị, hình sự, dân sự, kinh tế thì chế tài chính trị rất quan trọng.

Việc quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong phòng chống tham nhũng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, theo phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Trần Văn Thuận, quy định này cần nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo tính phù hợp của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh sự hiểu nhầm việc can thiệp quá sâu của cơ quan Đảng vào hoạt động bình thường của Nhà nước.

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng quy định về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.

Theo ông Trần Văn Thuận, hiện nay nhiều khu vực tư cũng có sự lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức.

Hậu quả của hành vi này cũng nguy hiểm như tham nhũng trong khu vực công, làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Việc bổ sung các hành vi tham nhũng trong khu vực tư sẽ đảm bảo công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được toàn diện, triệt để hơn.