Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta. Người để lại cho chúng ta những di sản tư tưởng cao quý, nổi bật trong đó là phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.

02/05/2018 15:17

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta. Người để lại cho chúng ta những di sản tư tưởng cao quý, nổi bật trong đó là phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là tổng hòa các phương pháp, biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng của Người. Phong cách đó được quy định bởi vị trí, vai trò, uy tín, vốn sống, điều kiện chính trị; phản ánh các phẩm chất cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tri thức, ý chí, tính cách… và gắn liền với thực tiễn hoạt động cách mạng của Bác. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh vừa thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vừa mang đậm bản sắc văn hóa, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, tạo nên nhiều nét độc đáo, đặc sắc, phong phú; trong đó, tập trung chủ yếu ở những nội dung sau:

Một là, dân chủ nhưng quyết đoán. Hồ Chí Minh khẳng định: chế độ ta “dân là chủ” và dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Người cho rằng, không một ai có thể hiểu biết được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Bởi vậy, người lãnh đạo phải tạo được không khí dân chủ trong nội bộ, tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người để phấn đấu cho mục tiêu chung của cách mạng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”1. Tuy nhiên, phong cách dân chủ không có nghĩa là “cá mè một lứa”, “mạnh ai nấy làm” mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”2. Đối lập với phong cách dân chủ là phong cách quan liêu. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán cán bộ quan liêu, những người “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”3. Để chữa căn bệnh quan liêu, Người yêu cầu cán bộ phải “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”4.

Hồ Chủ tịch tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 26-4-1960. Ảnh tư liệu

Cùng với việc thực hiện nghiêm dân chủ, tập thể lãnh đạo, cần chú ý vai trò cá nhân phụ trách, tức là nêu cao trách nhiệm, tính quyết đoán của người lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo có ý thức tập thể cao, tạo được bầu không khí làm việc dân chủ, nhưng nếu không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, thì không thể có những quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra và do đó công việc không thể tiến triển được. Người lưu ý: “Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định”5. Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm và tính quyết đoán của người đứng đầu phải luôn được đề cao, đôi khi mang tính quyết định. Phong cách lãnh đạo đúng nhất là phải kết hợp thống nhất giữa dân chủ tập thể với tính quyết đoán. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo của người cán bộ. Người lãnh đạo giỏi là người dám chịu trách nhiệm trước tập thể, trước quốc dân đồng bào, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định. Năm 1946, khi cách mạng bị thù trong, giặc ngoài chống phá quyết liệt, việc ta ký Hiệp định Sơ bộ 06-3 và Tạm ước 14-9 với Pháp, đã phá tan vòng vây của kẻ thù, loại trừ được 20 vạn quân Tưởng, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến sau này, đó là một minh chứng về phong cách lãnh đạo dân chủ nhưng quyết đoán của Hồ chí Minh.

Hai là, luôn sâu sát. Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu về phong cách lãnh đạo sâu sát. Trong chỉ đạo kháng chiến chống Pháp, Người không những nắm vững tình hình các địa phương cũng như diễn biến các chiến trường để có sự chỉ đạo cụ thể, đúng đắn; mà còn đến nhiều đơn vị, trực tiếp đi chiến dịch cùng bộ đội để nắm tình hình, động viên tinh thần binh sĩ, khen thưởng kịp thời mọi chiến công. Người quan tâm mọi mặt công tác của Quân đội, yêu cầu cán bộ các cấp phải sâu sát, chu đáo tới chiến sĩ: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”6.

Riêng công tác hậu cần, Người chỉ thị: “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”7. Trong chỉ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người nhiều lần đến thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình và kiểm tra cụ thể mọi công việc. Ngoài ra, hằng ngày qua báo cáo của các địa phương, qua báo chí và thư từ của nhân dân gửi đến, thấy có những vấn đề nổi lên, Người yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và giải quyết kịp thời.

Lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. V.I. Lê-nin chỉ rõ, lãnh đạo mà không kiểm tra có nghĩa là không lãnh đạo. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi đã có đường lối đúng, thì công tác kiểm tra là một trong ba nhân tố cơ bản nhất bảo đảm cho đường lối của Đảng ta thắng lợi. Muốn kiểm tra, giám sát tốt thì cán bộ phải sâu sát, phải “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, giám sát “của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ”, “chưa biết dựa vào quần chúng, nhân dân”. Người nghiêm khắc phê bình tình trạng: “cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”8.

Ba là, khéo dùng người, trọng dụng người tài. Truyền thống của dân tộc ta là trọng dụng nhân tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Người rất quan tâm đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ “đúng người, đúng việc”, và chính cách sử dụng cán bộ của Người là mẫu mực của việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”. Sau khi cách mạng thành công, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều trí thức đào tạo từ các nước phương Tây, quan lại triều đình phong kiến cũ phục vụ cho đất nước, như: Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng, v.v. Đặc biệt, việc Người tin tưởng giao trọng trách quốc gia cho các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…, là những ví dụ điển hình về điều đó.

Theo Bác, việc dùng người phải đúng năng lực và sở trường, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt công việc được phụ trách. Dùng người không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém của công tác cán bộ. Đặc biệt, người nhấn mạnh đến việc phải “tìm người tài đức”, tức là phải chủ động phát hiện người tài, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Theo Người, trọng dụng nhân tài là công việc thường xuyên, liên tục, như: người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”9. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 14-11-1945, trên báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm về sử dụng nhân tài trong điều kiện khó khăn của đất nước: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”10.

Bốn là, cách mạng và khoa học. Hồ Chí Minh khẳng định, điều cốt yếu của người cán bộ là: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”11. Nhiệt tình cách mạng là điều cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng phải thống nhất với tri thức khoa học và dựa trên cơ sở khoa học, nếu không sẽ dẫn tới sai lầm, duy ý chí, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại một cách vô ý thức. Để có tri thức khoa học, người cán bộ phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ chuyên môn. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”12. Vì thế, làm bất cứ việc gì, cán bộ cũng phải có kế hoạch và có đích rõ ràng, vì đích là để nhằm vào đó mà bắn, nếu nhiều đích “thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Để có kế hoạch thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”13. Một việc có thể có nhiều cách thực hiện. Bởi vậy, Người yêu cầu: “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi”. Đặc biệt, Người đòi hỏi: “công việc gì bất cứ thành công hay thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”14, v.v.

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh thực sự là bài học quý để mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, nhằm không ngừng hoàn thiện mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.


_______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.

2 - Sđd, Tập 5, tr. 620.

3, 4 - Sđd, Tập 7, tr. 176, 177.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 620.

6, 7 - Sđd, Tập 7, tr. 76, 433.

8 - Sđd, Tập 5, tr. 636 - 637.

9, 10 - Sđd, Tập 4, tr. 43, 114.

11 - Sđd, Tập 11, tr. 603.

12- Sđd, Tập 10, tr. 377.

13, 14 - Sđd, Tập 5, tr. 332, 283.