Niềm tin phải đến từ hai phía
03/05/2016 23:09
Vai trò "kiến tạo phát triển" của Nhà nước chỉ thành công khi từng bộ ngành, địa phương vào cuộc thực sự, xây dựng niềm tin vững chắc cho DN. Về phía DN không chỉ "đòi hỏi" cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi mà cần tự nâng cao năng lực; đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh qua những kiến nghị được nghiên cứu đầy đủ, khoa học, có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Từ Hội nghị Doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Động lực cho sự phát triển của nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, 19 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ tham dự cùng hơn 1.000 DN đại diện cho hàng chục vạn DN Việt Nam, có thể thấy sự cầu thị và quyết tâm thay đổi của Chính phủ để làm tốt vai trò “kiến tạo phát triển” và mong muốn gỡ bỏ những rào cản hành chính để thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Tất cả các tâm tư, nguyện vọng trên đều bắt đầu từ những kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tinh thần tuân thủ luật pháp; học hỏi và áp dụng các thông lệ đã thành chuẩn mực của thế giới.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà nêu ra: Dự án Core Banking (hệ thống ngân hàng lõi) của BIDV trình Ngân hàng Nhà nước đã 15 tháng nhưng chưa được trả lời, trong khi theo quy định là 15 ngày.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên nói: “Xu thế thế giới hiện nay hướng đến nông nghiệp hữu cơ. Chất thải từ các trại nuôi bò để trồng cỏ hay làm phân bón hữu cơ rất tốt nhưng quy định buộc chúng tôi phải đầu tư xử lý chất thải theo tiêu chuẩn B1 mà đó là khoản đầu tư vô cùng tốt kém”.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang nêu sự vô lý của quy định DN may mặc có nước thải không phức tạp nhưng cũng phải đầu tư nhà máy mini xử lý chất thải tốn hàng tỷ đồng như các nhà máy dệt, nhuộm. Thông tư 37 của Bộ Công Thương yêu cầu DN phải mang đi kiểm nghiệm cả “mấy mét vải mẫu” tốn kém cả thời gian và chi phí…
Đó là một vài trong nhiều kiến nghị của DN gửi tới Chính phủ, các Bộ ngành để theo đúng thẩm quyền có thể nhanh chóng trả lời hay giải quyết cho DN. Cũng có thể thấy các DN phát biểu tại Hội nghị dù là tư nhân hoàn toàn hay Nhà nước có cổ phần đều là những DN lớn, có sức ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Những kiến nghị của DN tại hội nghị, nhất là trong dịp Nhà nước mới kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành cập nhật tình hình DN cụ thể nhất, chân thực nhất để hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong xu thế các quan hệ kinh tế, dân sự được dẫn dắt bởi thị trường thì chúng ta không thể chấp nhận các kiến nghị theo kiểu “đòi hỏi” cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho một ngành, lĩnh vực hay cụ thể là một DNp nào đó và cũng không chấp nhận cung cách quản lý, điều hành chính sách trái với các quy luật của thị trường.
Bên lề hội nghị khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du nhấn mạnh: “Chính phủ phải tạo ra cơ chế thị trường, thể chế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn để DN có thể dự đoán được điều gì có khả năng xảy ra, hoạch định kế hoạch phát triển. Đây là sự đồng hành quan trọng nhất, chứ không phải đồng hành theo cách hiểu trong một thời gian rất dài vừa qua từ phía DN là Chính phủ phải hỗ trợ cái này, cái kia”.
Còn trong hội trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (sau khi nói về những nỗ lực và hạn chế của ngành này cũng như sẽ xem xét khả năng huy động thuế từ DN - PV) không ngần ngại cho rằng vấn đề quan trọng là từ phía DN. “Bây giờ, thuế xuất khẩu cơ bản về 0% thì tại sao ta không xuất khẩu được thì phải xem lại sức cạnh tranh của DN và đánh giá cả các giải pháp khác. Chúng tôi cho rằng không thể cứ xuất khẩu không được, cứ kinh doanh có lỗ là phải giảm vào thuế. Thuế là nguồn lực quốc gia và đã kinh doanh là phải nộp thuế, đó là công bằng và là thông lệ”.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ khi trả lời Báo Điện tử Chính phủ cũng cho rằng đội ngũ doanh nhân cũng phải thay đổi, hành động chính trực và nỗ lực hơn nữa để thành công. Vị doanh nhân này cũng cảnh báo: “Doanh nhân phải nêu cao tinh thần liêm chính, tạo ra giá trị của DN mới là lợi nhuận chứ không được tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá. Nếu tạo ra lợi thuận bằng mọi giá sẽ góp phần tạo ra và đồng lõa với tham nhũng, làm tổn hại đất nước”.
“Liêm chính” cũng là từ được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc tới dành cho cả DN và các cơ quan làm chính sách từ lúc bắt đầu thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành Hội nghị.
“Chúng ta phải đưa ra các giải pháp khôi phục sức sản xuất và giải pháp khôi phục niềm tin, củng cố niềm tin. Đó là niềm tin của Chính phủ với DN và niềm tin của DN với Chính phủ. Bản thân DN cũng phải nâng mình lên, xây dựng một sự liêm chính và Chính phủ cũng phải đổi mới mình lên. Từ trung ương và địa phương cũng phải khởi nghiệp và đổi mới. DN cũng phải đổi mới để lấy được niềm tin của chính phủ và người dân”.
Đúng như vậy, khi DN và Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tạo dựng được niềm tin cho nhau thì xã hội sẽ có thêm một niềm tin nữa, đó là niềm tin của nhân dân, người lao động dành cho DN và chính quyền. Đó chính là cái gốc của sự đồng thuận, ổn định xã hội và phát triển sản xuất, kinh doanh.