Những điểm nhấn kinh tế 9 tháng đầu năm
29/09/2015 17:14
Kinh tế 9 tháng đầu năm có một số diễn biến tích cực và đó cũng là những tín hiệu khả quan cho cả năm. Trong đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đạt được một số điểm vượt trội.
TỐC ĐỘ TĂNG/GIẢM MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ CHỦ YẾU (%). Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê |
Thứ nhất, khác với mọi năm, tốc độ tăng năm nay đã vượt mục tiêu đề ra cho cả năm ngay từ 6 tháng và 9 tháng đầu năm.
Điểm thứ hai, tăng trưởng với tốc độ cao hơn cùng kỳ 2 năm trước đó (9 tháng 2013 tăng 5,14%; 9 tháng 2014 tăng 5,53 %). Điều đó chứng tỏ xu hướng hồi phục tăng trưởng một cách rõ rệt.
Điểm thứ ba, tăng trưởng đạt được ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, tuy gặp khó khăn về tiêu thụ và giá cả, nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng (2,08%). Tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng, nhất là công nghiệp đã phục hồi, trở lại là động lực và đầu tàu tăng trưởng từ giữa năm 2014, bước sang năm 2015 tiếp tục tăng với tốc độ khá cao (toàn nhóm ngành tăng 9,57%, riêng công nghiệp tăng 9,69%), vừa cao hơn cùng kỳ các năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng chung.
Tăng trưởng GDP do công nghiệp tạo ra đạt được cả ở 4 ngành công nghiệp cụ thể. Tăng cao nhất là sản xuất và phân phối điện (11,3%), góp phần bảo đảm điện cho sản xuất, tiêu dùng, động lực trực tiếp của tăng trưởng. Công nghiệp chế biến, chế tạo- chiếm tỷ trọng lớn nhất, mang đặc trưng của nước công nghiệp rõ nhất- đạt tốc độ tăng cao thứ hai (10,15%), trong đó một số ngành tăng khá cao (như dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, sắt thép, điện tử máy tính, xe có động cơ...).
Công nghiệp khai khoáng những năm trước thường giảm, thì nay đã tăng khá (8,15%). Ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng cao hơn mức trung bình (7,2%). Theo đó, cơ cấu GDP theo nhóm ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Điểm thứ tư, tăng trưởng GDP cao hơn đạt được trong điều kiện CPI tăng thấp hơn, ngược với xu hướng thông lệ (tăng trưởng cao hơn do CPI cao hơn hoặc làm cho CPI cao hơn).
Điểm thứ năm là tăng trưởng của quý II cao hơn của quý I và tốc độ tăng trưởng của quý III cao hơn của quý II. Điều đó thể hiện đà cao lên của tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế cao lên của 9 tháng do nhiều yếu tố tác động, ở cả đầu vào và đầu ra.
Ở đầu vào, vốn đầu tư đạt khá. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,5% so với cùng kỳ và bằng 31,9% GDP. Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt được ở cả 3 nguồn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung (8,8%). Vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước tăng thấp hơn (7,2%), nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất (39,1%). Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước (43,1%) và vẫn tăng so với cùng kỳ (4,1%), trong đó của địa phương quản lý tăng cao hơn (5,2%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao nhất (10,1%). Tổng đăng ký mới và bổ sung ước đạt 7,15 tỷ USD và vốn đăng ký cấp mới đã tập trung chủ yếu cho công nghiệp chế biến, chế tạo (66%).
Vốn thực hiện tính từ đầu năm đến 20/9/2015 ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% là tốc độ tăng khá. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt khá. Trong 9 tháng đã có 68.347 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 28,5%, với số vốn đăng ký 420.9 nghìn tỷ đồng, tăng 31,4%; có hơn 12.848 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2%. Số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động giảm 0,9%.
Ở đầu ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,1% là tốc độ tăng tuy mới bằng 2/3 tốc độ tăng từ năm 2010 trở về trước, nhưng là khá cao so với con số tương ứng của cùng kỳ 3 năm trước đây.
Đây là yếu tố quan trọng góp phần để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới. Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ cao lên và cao hơn chỉ số sản xuất (13,3% so với 10,2%), chỉ số tồn kho tăng chậm lại.
Về ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, có một số điểm đáng lưu ý. Tốc độ tăng so với cùng kỳ của kim ngạch nhập khẩu cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu (tăng 15,9% so với tăng 9,6%), tuy có làm mất cân đối cán cân thương mại, nhưng cũng chứng tỏ nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước đã khá lên và có dấu hiệu tăng lên để đón cơ hội phục hồi.
CPI sau 9 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4%, thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002; cân đối thu, chi ngân sách bớt khó khăn hơn trước, khi tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi ngân sách; tỷ lệ bội chi so với dự toán năm thấp hơn tỷ lệ của tổng thu, tổng chi và giảm so với cùng kỳ năm trước.